Indonesia hạn chế mạng xã hội do lan truyền thông tin bài Trung Quốc
VOV.VN - Chính phủ Indonesia đã hạn chế một số tính năng của các mạng xã hội để ngăn chặn các thông tin gây hoang mang dư luận.
Trên mạng xã hội Indonesia ngày 22/5 đã xuất hiện những tin tức sai lệch liên quan đến cuộc bạo loạn tại Jakarta, đặc biệt là thông tin cảnh sát Trung Quốc tham gia chống bạo loạn tại đây. Để ngăn chặn các thông tin gây hoang mang dư luận, chính phủ Indonesia đã hạn chế một số tính năng của các mạng xã hội như Facebook, WhatsApp và Instagram.
Những nơi bị hạn chế mạng xã hội tại Indonesia. Ảnh: Tribunnews |
Ngày 22/5, người dùng mạng xã hội ở Indonesia gặp khó khăn khi gửi tin nhắn đa phương tiện qua WhapsApp, một trong những ứng dụng trò chuyện phổ biến nhất ở Indonesia. Việc đăng tải hình ảnh và video lên Facebook và Instagram cũng bị chặn. Trên Twitter Indonesia đồng loạt xuất hiện hastag #Instagramdown.
Nói về vấn đề này, ông Wiranto, Bộ trưởng điều phối chính trị, pháp luật và an ninh Indonesia đã xác nhận tại cuộc họp báo ngày hôm qua, rằng chính phủ đã hạn chế quyền truy cập vào phương tiện truyền thông xã hội và "vô hiệu hoá một số tính năng" để tránh những thông tin giả, gây hoang mang dư luận.
Những hạn chế này được đưa ra khi Indonesia phải đối mặt với cuộc bạo loạn phản đối kết quả cuộc bầu cử năm 2019. Bạo động nổ ra ở thủ đô Jakarta từ 21-22/5 khiến ít nhất sáu người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Trong cuộc bạo động, có những người liên tục hô các khẩu hiệu "Chống Trung Quốc", "Đuổi Trung Quốc","Cảnh báo đối ngoại". Những khẩu hiệu này dường nhằm vào Tổng thống Joko Widodo, người đã bị chỉ trích là thiên vị cho cộng đồng người Hoa tại Indonesia và vì sự cởi mở của ông khi nhận đầu tư từ Trung Quốc. Trên mạng xã hội ngày hôm qua cũng lan truyền hình ảnh cảnh sát Trung Quốc tham gia chống bạo động tại Jakarta.
Biểu tình bạo loạn tại Jakarta ngày 22/5. Ảnh: Antaranews |
Trong cuộc họp báo ngày 22/5, phát ngôn viên cảnh sát, ông Muhammad Iqbal cho biết những hình ảnh đó không phải là thật và khẳng định tất cả các nhân viên cảnh sát được triển khai trong cuộc biểu tình là công dân Indonesia.
Ông Iqal cho biết, cảnh sát Indonesia đã kiểm soát an ninh mạng xã hội 24/24 giờ để xử lí những thông tin trên và phát hiện các tài khoản đã phát tán thông tin, hình ảnh sai lệch có liên quan đến một số nhóm nhất định.
Cuộc biểu tình biến thành bạo loạn bắt đầu từ ngày 21/5 khi Ủy ban bầu cử tuyên bố ông Joko Widodo đã giành chiến thắng với 55,5% số phiếu từ cuộc bầu cử ngày 17/4. Đối thủ của ông, cựu tướng quân đội Prabowo Subianto không công nhận kết quả này và tuyên bố sẽ khiếu nại lên Tòa hiến pháp về những gian lận trong bầu cử.
Trong một diễn biến liên quan, tuần vừa qua, chính phủ đã bắt giữ ba nhà hoạt động ủng hộ ông Prabowo Subianto vì cáo buộc phản quốc, bao gồm trưởng ban vận động bầu cử của ông Prabowo Subianto, một cựu tướng quân và cựu bộ tư lệnh quân đội Indonesia./.
Tổng thống Indonesia: “Không có chỗ cho những kẻ bạo loạn“