Indonesia hợp tác với Trung Quốc phát triển vaccine công nghệ mRNA
VOV.VN - Indonesia đang bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 công nghệ mRNA do công ty nước này phối hợp với công ty Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất trên 3.000 tình nguyện viên trong nước và 28.000 tình nguyện viên trên toàn cầu.
Người đứng đầu Cơ quan Giám sát Dược phẩm và Thực phẩm Indonesia (BPOM), bà Penny Lukito cho biết, đây là lần đầu tiên Indonesia nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19 công nghệ mRNA. Vaccine này sẽ do công ty công nghệ sinh học PT Etana Biotechnologies Indonesia phối hợp với công ty PT Yuxi Walvax Biotechnology, Trung Quốc sản xuất tại Indonesia và thuộc sở hữu của công ty công nghệ sinh học của Indonesia.
Theo bà Penny, trên toàn cầu hiện nay, số lượng công ty dược phẩm đủ năng lực sản xuất vaccine đáp ứng nhu cầu của cộng đồng là rất hạn chế. Do đó, Indonesia cần độc lập trong việc phát triển vaccine bằng cách hợp tác với các nhà phát triển vaccine nước ngoài trong nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan hy vọng, Indonesia sẽ đi tắt đón đầu với việc chuyển giao công nghệ vaccine mRNA. Trong tương lai, các sản phẩm công nghệ sinh học ở Indonesia sẽ phát triển và sự độc lập về y tế của Indonesia sẽ sớm được thực hiện.
Trước đó, Bộ trưởng Luhut Panjaitan cũng cho biết các công ty Trung Quốc và Indonesia đang hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 để phân phối tại quốc gia Đông Nam Á này. Việc sản xuất vaccine Covid-19 công nghệ mRNA sẽ bắt đầu vào tháng 4/2022. Ngoài ra, vaccine “trắng đỏ” do Indonesia nghiên cứu phát triển cũng sẽ được sản xuất vào tháng 5 hoặc tháng 6/2022.
Liên quan đến việc phát triển vaccine công nghệ mRNA, Bộ trưởng Bộ Y tế Budi Gunadi Sadikin cuối tháng 7 vừa qua cho biết chính phủ đang hoàn thiện quy thủ tục với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xây dựng một trung tâm sản xuất vaccine Covid-19 toàn cầu ở Indonesia.
Dự kiến sản xuất vaccine Covid-19 ở Indonesia sẽ phát triển theo phương pháp dựa trên công nghệ DNA và mRNA. Hiện nay công nghệ sản xuất vaccine mà Indonesia sở hữu thông qua công ty dược phẩm Biofarma là dựa trên công nghệ giảm độc lực được các nhà sản xuất của Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca sử dụng./.