Indonesia liệu đã sẵn sàng cho lộ trình chung sống với Covid-19?
VOV.VN - Trong vòng gần 2 tháng qua, số ca mắc Covid-19 ở Indonesia đã tăng từ 2 triệu lên hơn 3,8 triệu. Xác định cuộc chiến chống đại dịch chưa kết thúc và còn kéo dài, chính phủ Indonesia đã xây dựng lộ trình sống chung với Covid-19 trong nhiều năm. Liệu Indonesia đã sẵn sàng cho lộ trình này?
Lộ trình chung sống hòa bình với virus, đảm bảo hoạt động kinh tế an toàn
Việc xây dựng lộ trình sống chung với Covid-19 là chỉ thị mới nhất của Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong xử lý đại dịch toàn cầu ở quốc gia đang là tâm dịch châu Á này. Điều này cho thấy Indonesia đã bắt đầu cho kỷ nguyên “bình thường mới” khi tiên lượng Covid-19 sẽ còn kéo dài trong nhiều năm mà theo chính phủ nước này có thể là 3 năm, 4 năm, thậm chí có thể hơn 5 năm.
Phương châm của lộ trình là chung sống hòa bình và cùng tồn tại với virus, cụ thể là tăng cường khả năng miễn dịch, thực hiện các giao thức y tế trong khi duy trì một cuộc sống bình thường và hoạt động kinh tế vẫn diễn ra trong an toàn. Theo đó trong giai đoạn đầu, Indonesia đưa 6 lĩnh vực vào áp dụng thực hiện Lộ trình sống chung với virus bao gồm: thương mại, văn phòng và khu vực công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, tôn giáo và giáo dục. Các giao thức y tế chủ yếu vẫn là đeo khẩu trang, xịt khuẩn và giữ khoảng cách, bên cạnh đó là các yêu cầu bắt buộc về việc tiêm vaccine Covid-19.
Ngoài việc sắp xếp lại các giao thức y tế như một ưu tiên chính trong các hoạt động, Indonesia chuẩn bị các công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cho kỷ nguyên “bình thường mới”, trong đó ứng dụng PeduliLindung được xây dựng để làm cơ sở sống chung với virus. Từ 1 tuần nay, tại một số trung tâm thương mại của Indonesia, đặc biệt là ở thủ đô Jakarta với sự hợp tác của các hiệp hội ngành nghề đã bắt đầu áp dụng sử dụng ứng dụng này như 1 điều kiện bắt buộc nếu du khách muốn vào các địa điểm trên. Ứng dụng này tích hợp có các chỉ số sức khỏe và chứng nhận tiêm vaccine Covid-19. Ngoài ra Indonesia cũng cố gắng tăng tốc trong chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại có 29 triệu người Indonesia tương đương với 14% dân số đã tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine Covid-19.
Indonesia đã sẵn sàng cho việc thực hiện lộ trình?
Chính phủ Indonesia tin rằng việc các cá nhân có kháng thể thông qua vaccine sẽ chiến thắng virus, các hoạt động sẽ trở lại bình thường, trong khi những người già, người mắc bệnh lý nền chưa được tiêm chủng sẽ ở trong nhà cho tới khi có giải pháp mới. Tuy nhiên, một số nhà dịch tễ học Indonesia cho rằng lộ trình sống chung với Covid-19 mà chính phủ đưa ra được coi là còn quá sớm để có thể thực hiện trong tương lai gần.
Ông Hermawan Saputra, thành viên Hiệp hội chuyên gia y tế cộng đồng Indonesia cho rằng, sớm nhất là năm sau (2022) Indonesia mới có thể thực hiện được lộ trình này bởi tình hình đại dịch ở Indonesia hiện nay được cho là còn rất lâu nữa mới có thể kiểm soát được, dựa trên các chỉ số mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Theo chuyên gia, điều quan trọng nhất lúc này là nỗ lực truy vết, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith Australia, Dicky Budiman, đồng ý rằng cần phải vạch ra một lộ trình sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, việc thực hiện lộ trình này phải đáp ứng một số chỉ số. Một trong số đó là việc tiêm chủng phải đạt ít nhất 50% ở tất cả các vùng. Trong khi thành tựu tiêm vaccine ở Indonesia vẫn ở dưới mức 20% và không đồng đều ở các vùng.
Thành viên Ủy ban IX của Hạ viện Indonesia Netty Prasetiyani lưu ý không nên dẫn chứng chính sách của các quốc gia khác như Anh, Australia và Singapore trong xây dựng lộ trình sống chung với Covid-19 để áp dụng vào Indonesia. Theo ông, những quốc gia này có năng lực và chất lượng dịch vụ y tế cũng như tỷ lệ tiêm chủng đạt chuẩn hơn Indonesia. Cuối cùng họ vẫn phải cân nhắc lại chính sách khi xem xét các biến thể mới dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, ở Indonesia các biến thể đã xâm nhập nhiều, bao gồm biến thể Delta thời gian qua đã tấn công mạnh vào Indonesia. Ngoài ra, ở Indonesia lực lượng nhân viên y tế mỏng, cơ sở y tế yếu kém cũng như sự sẵn có của thuốc và oxy chưa đáp ứng được nhu cầu. Cuối cùng, khi Indonesia xây dựng lộ trình dựa trên kỹ thuật số, chính phủ cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để xã hội hóa và các ứng dụng có thể đến được với mọi tầng lớp người dân./.