Indonesia sẽ giới hạn đến khi kiểm soát được Covid-19, Philippines vẫn khủng hoảng học tập
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 đã khiến Philippines chìm vào khủng hoảng học tập trong năm thứ 2. Trong khi đó, Indonesia tiếp tục thực hiện giới hạn xã hội đến khi nào dịch bệnh ở đây được kiểm soát.
Indonesia thận trọng cao độ dù số ca Covid-19 giảm ở đây
Mặc dù số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã giảm đáng kể trong vòng hơn một tuần qua, song Indonesia tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì gia hạn. Giới hạn hoạt động cộng đồng phù hợp với tình hình dịch bệnh của mỗi khu vực cho đến khi đại dịch được kiểm soát.
Trong một tuyên bố ngày hôm qua (13/9), Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, người đứng đầu nhóm điều phối hoạt động giới hạn cộng đồng - ông Luhut Binsar Padjaitan cho biết, với chính sách giới hạn hoạt động cộng đồng được áp dụng ở Indonesia trong thời gian qua, xu hướng các ca mắc Covid-19 trên toàn quốc đã giảm 93,9%, đặc biệt ở khu vực Java-Bali, đã giảm xuống 96% so với mức đỉnh vào ngày 15/7.
Theo Bộ trưởng Luhut, các mục tiêu và định hướng chính sách trong việc thực hiện giới hạn hoạt động cộng đồng kéo dài vẫn nhất quán, nhưng việc quản lý lĩnh vực và chiến lược phải linh hoạt thích ứng với các vấn đề và thách thức. Trong đó, việc áp đặt mức giới hạn cấp 4 (cao nhất), cấp 3,2 và 1 sẽ được điều chỉnh nới lỏng hoặc thắt chặt tùy thuộc vào tình hình từng khu vực và phải được thực hiện hàng tuần dựa trên các dữ liệu mới nhất.
Chính phủ Indonesia đã có một số điều chỉnh nới lỏng hoạt động cộng đồng trong tuần này bao gồm mở rạp chiếu phim tối đa 50% công suất ở các thành phố cấp 3 và 2, bổ sung các điểm du lịch được phép mở cửa với quy trình y tế nghiêm ngặt ở các thành phố giới hạn cấp 3. Tất cả các hoạt động cộng đồng đều phải đi kèm với ứng dụng Peduli để kiểm tra giấy tiêm chủng vaccine Covid-19 của người dân.
Bộ trưởng Indonesia cũng cho biết, chính phủ nước này tăng cường giám sát lối ra vào, cửa khẩu quốc tế cả trên bộ, trên biển và đường hàng không, bên cạnh việc duy trì nghĩa vụ kiểm dịch 8 ngày đối với du khách quốc tế.
Chính phủ quốc gia vạn đảo cũng chuẩn bị các kế hoạch đối mặt với quá trình chuyển đổi từ đại dịch sang căn bệnh đặc hữu thông qua ba chìa khóa chính là tỷ lệ tiêm chủng cao; tăng cường truy vết, xét nghiệm và điều trị, cuối cùng là thắt chặt các giao thức y tế.
Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp giới hạn xã hội cho đến khi đại dịch được kiểm soát, đồng thời tiến hành đánh giá mỗi tuần để không lặp lại sự cố tương tự trong tương lai. Đây là lần thứ 8, Indonesia tiếp tục gia hạn giới hạn hoạt động cộng đồng kể từ lần đầu được triển khai với thuật ngữ giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp trong giai đoạn từ ngày 3-20/7/2021.
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia chỉ ghi nhận thêm 2.577 ca mắc Covid-19. Tổng cộng, quốc gia Đông Nam Á này đã có 4,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 139.165 trường hợp đã tử vong.
Cuộc khủng hoảng học tập ở Philippines bước vào năm thứ 2
Các lớp học ở Philippines ngày 13/9 im ắng khi hàng triệu học sinh tiếp tục học trực tuyến trong năm thứ hai do đại dịch Covid-19, khiến các chuyên gia lo ngại về sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng giáo dục tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều mở lại một phần hoặc toàn bộ trường học cho các lớp học trực diện, thì Philippines vẫn đóng cửa các trường này kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho đến nay vẫn bác bỏ đề xuất thí điểm mở lại các trường tiểu học và trung học vì lo ngại trẻ em có thể mắc Covid-19 và trở thành nguồn lây nhiễm cho những người lớn tuổi trong gia đình.
Một chương trình “học tập kết hợp” đã được đưa ra vào tháng 10/2020 tại quốc gia này bao gồm các lớp học trực tuyến, tài liệu in và các bài học được phát trên truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên chương trình đã bị cản trở bởi hầu hết học sinh ở Philippines không có máy tính hoặc mạng internet ở nhà. Ông Isy Faingold, Trưởng bộ phận giáo dục của UNICEF tại Philippines, cho biết hơn 80% phụ huynh lo ngại rằng con cái họ sẽ “học kém hơn”. Khoảng 2/3 số phụ huynh được khảo sát ủng hộ việc mở lại lớp học ở những khu vực ít lân lan virus. Ông lo ngại, cuộc khủng hoảng học tập vốn có từ hơn một năm nay sẽ còn tồi tệ hơn.
Theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu độc lập OECD, học sinh 15 tuổi ở Philippines đứng vị trí cuối cùng trong các môn tập đọc, toán và khoa học. Hầu hết học sinh theo học tại các trường công lập với sĩ số lớp lớn, phương pháp giảng dạy lạc hậu, nghèo đói và thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà vệ sinh.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ đăng ký nhập học ở Philippines đã giảm xuống còn 26,9 triệu vào tháng 9/2020 và đã giảm thêm 5 triệu kể từ đó.
Trong khi đó, ông Rhodora Concepción, từ Hiệp hội Tâm thần học Trẻ em và Vị thành niên Philippines, cho biết: “Sự cô lập xã hội lâu dài có liên quan đến sự cô đơn và các bệnh sinh lý ở trẻ em. Với sự gián đoạn của việc học trực diện và giao tiếp xã hội, trẻ em có thể bị thụt lùi về các kỹ năng đã thành thạo trước đây."
Ông Mercedes Arzadon, một giáo sư giáo dục tại Đại học Philippines, cho biết thật "nực cười" khi giữ các trường học đóng cửa vô thời hạn khi các quốc gia khác, bao gồm nước láng giềng Indonesia, nơi bị đại dịch tàn phá đã bắt đầu mở cửa trở lại một cách an toàn.
Một “kịch bản lạc quan” là các trường học ở Philippines sẽ mở cửa trở lại vào năm tới. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng Covid-19. Cho đến nay chỉ có khoảng 20% dân số Philippines đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi trẻ em vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Philippines đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư gia tăng theo cấp số nhân do biến thể Delta tấn công. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm 20.745 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của đất nước lên hơn 2,2 triêu trường hợp, trong đó có 35.307 người đã tử vong./.