Indonesia thay đổi chiến lược đối phó làn sóng Covid-19 thứ 3 do Omicron
VOV.VN - Trước làn sóng Covid-19 thứ ba dự đoán sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 2 năm nay do sự xâm nhập của biến thể Omicron, Chính phủ Indonesia đã đưa ra các chiến lược mới, khác với chiến lược được áp dụng với hai làn sóng trước đó khi biến thể Delta tấn công.
Indonesia một lần nữa phải đối mặt với sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 9.905 ca mắc mới, tăng gấp 7 lần so với tháng trước. Các chuyên gia yêu cầu chính phủ đưa ra các biện pháp ngăn chặn tối đa sự lây lan của biến thể Omicron trước khi tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Nhóm chuyên gia về Tăng tốc xử lý Covid-19 Indonesia kêu gọi chính phủ kiểm soát sự di chuyển và thực hiện giao thức y tế của người dân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, chính phủ đã thay đổi các chiến lược để đối phó với làn sóng Omicron khác so vơi làn sóng Delta trước đó. Theo ông Budi, biến thể Omicron lây lan nhanh hơn song không nguy hiểm như biến thể Delta với tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Phần lớn các mắc biến thể Omicron có triệu chứng như cảm lạnh thông thường, do đó, bệnh nhân thường không nhận ra rằng họ đã tiếp xúc với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là những người không có triệu chứng.
Trong tổng số 1.619 ca mắc biến thể Omicron, có 854 bệnh nhân đang điều trị có triệu chứng, trong đó 334 bệnh nhân nhẹ, 54 bệnh nhân vừa và 5 bệnh nhân nặng. Indonesia đã ghi nhận 3 ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron. Tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trên toàn quốc vẫn ở mức thấp gần 10%.
Dó đó, ở làn sóng Covid-19 lần này, thay vì chuẩn bị sẵn các giường bệnh cách ly và chăm sóc đặc biệt, chính phủ Indonesia phân loại thang điểm ưu tiên điều trị cho bệnh nhân Omicron tại các bệnh viện dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh, ưu tiên các bệnh nhân có bệnh lý nền và người già nhập viện. Đối với những bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng sẽ được thuyết phục để cách ly và điều trị độc lập tại nhà thông qua sự hỗ trợ y tế từ nền tảng kỹ thuật số. Bệnh nhân mắc Covid-19 được Bộ Y tế xác nhận sẽ được cấp mã số sức khỏe trên nền tảng y tế từ xa “Telemedisin”, được cấp thuốc theo các triệu chứng và thang bệnh.
Bộ Y tế Indonesia cũng đã chuẩn bị dự trữ thuốc kháng virus Covid-19 như Oseltamivir, Favipiravir, Remdesivir, cùng các loại kháng sinh và vitamin tổng hợp. Hiện nay, Bộ Y tế phối hợp với các nhà sản xuất và viện nghiên cứu trong nước để sản xuất thuốc thử Covid-19 bằng phương pháp PCR để phát hiện sớm biến thể Omicron thông qua phương pháp SGTF, tập trung vào gen S. Việc sản xuất thuốc thử PCR có khả năng phát hiện Omicron trong 4-6 giờ được thực hiện tại các cơ sở của công ty dược phẩm PT Bio Farma từ cuối tháng 1 năm 2022 để phân phối cho tất cả các tỉnh ở Indonesia, chú trọng những nơi có số ca mắc Omicron cao.
Bước vào đợt thứ ba của đại dịch Covid-19, Chính phủ Indonesia quyết định duy trì các quy tắc cơ bản trong việc Thực hiện Các Hạn chế Hoạt động Cộng đồng (PPKM) 4 cấp độ nhằm ngăn chặn sự lây truyền Covid-19 từ cấp địa phương. Theo đó, đánh giá mức độ lây truyền của mỗi địa phương dựa trên tiêu chí của Tổ chức Y Tế giới (WHO) và sẽ được đánh giá mỗi tuần một lần thông qua các cuộc họp giữa các Bộ / cơ quan vào thứ Hai hàng tuần do Tổng thống Indonesia Joko Widodo trực tiếp chỉ đạo.
Làn sóng Covid-19 đầu tiên xảy ra ở Indonesia vào tháng 1/2021 với số ca mắc hàng ngày cao nhất là 18.000. Tiếp theo là làn sóng thứ hai vào tháng 7 năm 2021 với số ca mắc hàng ngày cao nhất là 54.000. Bộ Y Tế Indonesia dự báo đỉnh của làn sóng Covid-19 thứ ba sẽ rơi vào cuối tháng 2/2022 nay với khoảng 55.000 trường hợp mỗi ngày.
Tính đến ngày 28/1, Indonesia đã tiêm chủng hoàn chỉnh cho hơn 127 triệu người, tương đương với 60,1% mục tiêu đề ra, trong đó có hơn 1,3 triệu người đã được tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường./.