Indonesia thúc đẩy thành lập Trung tâm nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu ASEAN
VOV.VN - Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy việc thành lập một Trung tâm nghiên cứu khu vực dành cho các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia thành viên ASEAN.
Việc thúc đẩy thành lập Trung tâm nghiên cứu dành cho các nhà nghiên cứu ASEAN được chính phủ Indonesia giao cho Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN).
Theo ông Ahmad Njjib Burhani – người đứng đầu bộ phận Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc BRIN, Trung tâm mới này có thể giúp tối ưu hóa khả năng dịch chuyển “chất xám” của khu vực, đồng thời thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia ASEAN.
Indonesia kỳ vọng với việc thành lập Trung tâm nghiên cứu của riêng mình, ASEAN có thể trở thành quyền lực mới trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học và kinh tế, từ đó vươn lên cạnh tranh với các trung tâm khoa học khác của thế giới như châu Âu, Mỹ, Australia…và đóng góp mạnh mẽ hơn vào nền khoa học thế giới.
Ông Ahmad đánh giá, ASEAN có tiềm năng đa dạng sinh học phong phú. Đây cũng là một thế mạnh của Indonesia. Nếu các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhau nghiên cứu và phát triển thì tiềm năng này sẽ được tối ưu hóa. Bên cạnh đó, ASEAN còn có một tài sản mang tính chiến lược là dân số với ước tính 670 triệu người. Theo ông Ahmad, ngoài đa dạng sinh học, các nhà nghiên cứu ASEAN còn có thể mở rộng hợp tác nghiên cứu trong những lĩnh vực tiềm năng khác như: biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường.
Hồi tháng 5/2023, người đứng đầu BRIN, ông Lanksana Tri Handoko, cũng đã bày tỏ ý định đưa BRIN trở thành trung tâm nghiên cứu hợp tác cho các nhà nghiên cứu ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực đa dạng sinh học, không gian và năng lượng hạt nhân. Theo đó, các phòng thí nghiệm của BRIN sẽ mở cửa cho bất kỳ đối tác nào trong ASEAN muốn tiến hành các dự án nghiên cứu và phát triển khoa học.