Iran ra điều kiện đàm phán với Mỹ
VOV.VN - Iran cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ cũng chỉ bắt đầu khi Washington giảm sự thù địch và trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/7 tuyên bố sẵn sàng đàm phán với nhà lãnh đạo Iran mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phía Iran bác bỏ kịch liệt bởi sự thiếu tin cậy đối với chính quyền Donald Trump. Iran cũng cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ cũng chỉ bắt đầu khi Washington giảm sự thù địch và trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran. Ảnh: AFP. |
Những ngày qua, báo giới và truyền thông khu vực ghi nhận những phản ứng cứng rắn từ phía Iran liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra hồi đầu tuần qua về một gặp với lãnh đạo Iran. Ngay sau tuyên bố của ông Trump, Tư lệnh của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Thiếu tướng Mohamed Ali Jafari đã tuyên bố bác bỏ đề xuất về cuộc gặp của Tổng thống Trump và cho rằng Iran không giống như Triều Tiên để có thể chấp nhận đề nghị của ông Trump về một cuộc gặp Thượng đỉnh như vậy.
Và thậm chí, ông Ali Jafari còn tuyên bố sẽ không bao giờ diễn ra một cuộc gặp Thượng đỉnh như vậy ngay cả với các Tổng thống Mỹ sau này. Trong khi đó, cố vấn của Tổng thống Rouhani, ông Hamid Aboutalebi, người đã đề ra các điều kiện riêng của ông cho bất kỳ cuộc họp nào giữa lãnh đạo Iran với Tổng thống Mỹ Trump cho rằng, Mỹ cần tôn trọng Iran và quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015 cũng như giảm bớt sự thù địch đối với Iran. Cùng với các phản ứng tương tự của Bộ Ngoại giao, Quốc hội Iran, Tổng thống Iran Rouhani cũng cho rằng việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 là "bất hợp pháp".
Vì sao mà Iran lại bác bỏ đề xuất đàm phán của Mỹ
Thứ nhất, giới chức Iran quan ngại về các điều kiện mà phía Mỹ sẽ áp đặt sẽ hạn chế nhiều đến cơ hội phát triển tiềm lực của Iran cũng như tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Iran. Các điều kiện mà phía Mỹ áp đặt với Iran được cho là sẽ đi ngược lại nguyện vọng của giới lãnh đạo Iran từ những thay đổi về các chính sách mà Mỹ cho là hà khắc đối với người dân Iran đến việc từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và giải tán các cơ sở hạt nhân của Iran.
Nguyên nhân thứ hai là việc giới chức Iran đón nhận đề nghị của Tổng thống Mỹ Trump về cuộc gặp Thượng đỉnh với một sự hoài nghi về khả năng diễn ra cũng như hiệu quả của nó và cho rằng đó không phải là một ý định đàm phán thực sự. Trước đó một tuần, chính Tổng thống Trump từng đe dọa rằng Iran sẽ phải gánh chịu hậu quả tồi tệ nhất từ trước đến nay. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi ngày 31/7 cho biết, đề nghị của ông Trump nhằm đàm phán với Iran hoàn toàn mâu thuẫn với các hành động của ông khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và gây sức ép đối với các nước khác để ngăn cản hoạt động hợp tác kinh tế với Iran.
Liệu có một kịch bản Thượng đỉnh Iran- Mỹ trong tương lai?
Trong ngắn hạn khả năng nối lại đàm phán giữa Iran và Mỹ là khá thấp khi hai bên còn tồn tại những bất đồng khó giải quyết liên quan đến các điều kiện đặt ra cho nhau. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump về một cuộc gặp với Iran mà không có bất cứ điều kiện nào được đưa ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, dường như mâu thuẫn với ông Trump khi liệt kê các điều kiện tiên quyết phải được đáp ứng trước, như chính phủ Iran chứng minh cam kết thay đổi cơ bản trong các chính sách đối với người dân và nhất trí phải tham gia vào một thỏa thuận thực sự ngăn chặn sự phổ biến hạt nhân.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Garrett Marquis trong một tuyên bố cho rằng Mỹ sẽ không dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt hoặc tái thiết lập lại quan hệ ngoại giao và thương mại với Iran cho đến khi có những thay đổi hữu hình và được duy trì trong chính sách của Iran. Ngược lại, nếu Iran không cam kết thay đổi, sự trừng phạt sẽ hết sức nặng nề.
Về phần mình, Iran cũng đe dọa đóng của eo biển Hormuz, một tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng của các nước khu vực nhằm bảo vệ quyền lợi xuất khẩu dầu của Iran.
Tuy nhiên, với những diễn biến về các cuộc gặp Thượng đỉnh gần đây giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên hay với Tổng thống Nga Putin, dư luận khu vực Trung Đông vẫn để ngỏ khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và lãnh đạo Iran trong tương lai./.
Đổi giọng với Iran, Tổng thống Trump nhận “quả ngọt” hay “trái đắng”?