Iraq: Công cuộc tái thiết Mosul gặp nhiều thách thức
VOV.VN - Sau khi đánh bại được IS ở Mosul, Iraq giờ đây đang phải đối mặt với các nhiệm vụ lập lại ổn định và tái thiết thành phố này.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 10/7 tuyên bố, quân đội nước này đã đánh bại các tay súng của lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại thành phố Mosul sau cuộc chiến kéo dài gần 9 tháng, chấm dứt 3 năm IS chiếm giữ tại thành phố này. Tuy nhiên, công cuộc tái thiết thành phố bị chiến tranh tàn phá này đang phải gặp nhiều thách thức.
Hình ảnh hoang tàn ở Mosul. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu sau khi đến thăm Mosul, Thủ tướng Iraq Al-Abadi cam kết, chính phủ sẽ nhanh chóng tái thiết các khu vực bị giao tranh tàn phá để người dân sớm quay trở lại quê hương.
“Chúng ta có một sứ mệnh ở phía trước, đó là tạo ra sự ổn định, xây dựng và xóa đi tàn tích của nhóm Nhà nước Hồi giáo”, ông nói. “Những điều đó cần nỗ lực của các lực lượng nhưng sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc ổn định và tái thiết thành phố sẽ còn nhiều khó khăn.
Các tay súng IS trước khi thất thủ đã gài mìn khắp thành phố, “trên từng con đường, trong từng căn nhà” như lời mô tả của một binh sĩ Iraq tham chiến giải phóng thành phố. Giới phân tích cảnh báo, việc giành lại Mosul từ tay IS không có nghĩa là không còn các mối đe dọa từ IS hiện vẫn chiếm giữ các vùng khác ở Iraq và có thể tiến hành các vụ đánh bom thường xuyên tại các khu vực do chính phủ kiểm soát.
Ông Fadhil Abu Ragheef, một chuyên gia an ninh Iraq nói: “Mặc dù quân đội Iraq giành chiến thắng nhưng thách thức an ninh vẫn còn khi một số tay súng khủng bố vẫn còn ẩn nấp ở đâu đó. Chúng có thể hành động bất cứ lúc nào để thực hiện các vụ tấn công gây thương vong”.
Ngoài ra, để tái thiết, trước hết phải là việc làm sạch bom mìn và phòng chống nguy cơ IS gây rối bằng các cuộc đột kích hoặc tấn công khủng bố tập trung vào Mosul bởi đây cũng là thất bại “muối mặt” của chúng.
Ngoài các mối đe dọa về an ninh, cuộc khủng hoảng tài chính do chiến tranh và việc người dân dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn cũng là vấn đề mà chính phủ Iraq phải đối mặt. Việc tái thiết ở những vùng vừa được giải phóng cũng gây thêm áp lực về tài chính cho chính phủ.
Ông Ihsan al-Shammari, một chuyên gia an ninh Iraq, nhận định: “Chính phủ Iraq coi trọng việc duy trì ổn định tại khu vực vừa được giải phóng trong đó có việc đưa những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trở về quê hương để họ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong bối cảnh giá dầu quốc tế giảm và khủng hoảng tài chính tại Iraq thì chính phủ Iraq không thể dựa vào chính mình mà cần phải có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế hỗ trợ để tái thiết khu vực”.
Trong khi đó, Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Iraq, bà Lise Grande ước tính kinh phí tái thiết và sửa chữa cơ sở hạ tầng cơ bản ở Mosul - thành phố lớn thứ hai tại Iraq, có thể lên tới hơn 1 tỉ USD trong khi công cuộc tái thiết hoàn chỉnh thành phố trong dài hạn có thể tốn gấp nhiều lần.
Bà Grande căn cứ báo cáo đánh giá sơ bộ cho rằng, công tác ổn định Mosul, bao gồm sửa chữa hạ tầng điện, nước, nước thải cũng như việc mở lại các trường học, bệnh viện, có thể phải chi phí cao gấp đôi ước tính ban đầu.
Mức độ thiệt hại ở Mosul lớn hơn so với dự tính, với hệ thống hạ tầng ở Tây Mosul còn tồi tệ hơn nhiều so với Đông Mosul, khu vực được giải phóng khỏi nhóm Nhà nước Hồi giáo từ 6 tháng trước. Công tác ổn định ở Đông Mosul có thể hoàn thành trong 2 tháng, nhưng ở Tây Mosul có thể phải mất hơn 1 năm và công cuộc tái thiết dài hạn ở thành phố này sẽ tốn hàng tỉ USD.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho biết chiến tranh và xung đột đã khiến khoảng 900.000 trong tổng số 2 triệu dân Mosul rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó hơn 1/3 sống tại các trại di dân ở bên ngoài thành phố. Hiện vẫn còn hơn 700.000 người chưa thể trở về thành phố quê hương. Chính vì thế, các tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo rất có thể xảy ra ở thành phố lớn thứ hai tại Iraq này./. Toàn cảnh trận chiến Mosul (Iraq) từ khi bắt đầu