Iraq đang đứng trước cơ hội giải quyết khủng hoảng
VOV.VN - Thủ tướng mãn nhiệm al- Maliki đã chấp nhận từ chức, nhường chỗ cho một nhân vật mới ôn hòa hơn đủ khả năng đoàn kết dân tộc.
Ngay sau quyết định này, cộng đồng người Sunni lâu nay vẫn bất mãn với chính quyền đã tuyên bố sẵn sàng làm việc với Chính phủ mới, trong khi cộng đồng quốc tế cũng có những hành động mạnh mẽ nhằm hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Một trong những thủ lĩnh người Sunni có ảnh hưởng tại Iraq ngày 15/8 tuyên bố sẵn sàng làm việc với tân Thủ tướng Haider al- Abadi nếu ông này bảo vệ được các quyền của người Sunni thiểu số, vốn không được coi trọng dưới thời chính quyền Thủ tướng al- Maliki, một người Hồi giáo dòng Shiite.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Ali Hatem Suleiman, người đứng đầu cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni tại tỉnh Anbar cho biết, người Sunni tại đây sẽ tham gia nỗ lực của Chính phủ chống lại các nhóm nổi dậy người Sunni một khi nhận thấy những thay đổi tích cực trong tiến trình chính trị tại Iraq.
“Chúng tôi muốn nhìn thấy một sự thay đổi trong tiến trình chính trị và muốn xem các quyền của người Sunni có được tôn trọng hay không. Do đó chúng tôi sẽ đợi những hành động cụ thể của chính phủ mới tại Iraq, chứ không phải chỉ là những lời nói. Dù ông al- Abadi thuộc cùng phái chính trị với ông Maliki, song chúng tôi vẫn sẽ chờ đợi các chương trình và tầm nhìn của Chính phủ mới”.
Là một chính trị gia ôn hòa cũng xuất thân từ người Hồi giáo dòng Shiite, tân Thủ tướng al-Abadi phải đối mặt với một thách thức không hề nhỏ đó là ổn định tỉnh Anbar, nơi tâm lý bất mãn của người dân đối với các chính sách phân biệt đối xử của Chính phủ người Shiite với cộng đồng người Sunni đang ngày càng gia tăng. Và đây cũng là lý do khiến nhiều người Sunni tại đây quay lưng lại với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Trên thực tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị hiện nay tại Iraq là chính sách chuyên quyền của Thủ tướng al- Maliki nhằm củng cố quyền lực của người Shiite, trong khi lại gạt ra ngoài quyền lợi của người Sunni và người Kurd. Hậu quả nghiêm trọng là bạo lực phe phái tái bùng phát, tạo cơ hội cho các thế lực cực đoan khủng bố mà đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của nhóm chiến binh thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) đang đe dọa tới sự tồn vong của chính quyền.
Chính vì thế, với quyết định rút lui khỏi chính trường của ông Maliki đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế bởi nó được trông đợi sẽ đem lại sự thay đổi nào đó cho đất nước Iraq.
Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ của quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đêm 15/8 đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết nhằm hạn chế sức mạnh của nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo Iraq. Theo đó, một loạt các thủ lĩnh nhóm phiến quân bị liệt vào danh sách trừng phạt và đóng băng các tài sản liên quan.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Lyall Grant nói: “Nghị quyết 2170 là câu trả lời mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với các nhóm khủng bố. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa ra một lập trường vững chắc và thống nhất trước những mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq. Đặc biệt, nó gửi đi một thông điệp chính trị rõ ràng rằng, cộng đồng quốc tế cực lực lên án các hành động khủng bố, cũng như tư tưởng bạo lực cực đoan, xâm phạm quyền con người và luật pháp quốc tế một cách có hệ thống và trên quy mô lớn của nhóm nổi dậy này”.
Cùng ngày, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí ủng hộ việc trang bị vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Iraq trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq.
Thông báo đưa ra sau cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu nêu rõ, khối này hoan nghênh quyết định của một số quốc gia thành viên đáp lại đề nghị cung cấp vũ khí của lực lượng người Kurd. Do vậy, việc cung cấp vũ khí sẽ được triển khai dựa trên khả năng và luật pháp của từng quốc gia thành viên, cũng như yêu cầu của Chính phủ Iraq./.