Iraq đối mặt với nhiều thách thức trong việc tái thiết Mosul
VOV.VN - Đối với người dân Mosul, cuộc sống phía trước còn quá nhiều thử thách khi các cơ sở hạ tầng đều bị hư hỏng cùng việc khan hiếm các nhu yếu phẩm
Sau khi đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Mosul, Iraq giờ đây đang phải đối mặt với các nhiệm vụ lập lại ổn định và tái thiết thành phố này. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ được nhận định sẽ gặp rất nhiều thách thức khi Mosul giờ đây chỉ còn là một đống đổ nát.
Những gì còn lại trong thành phố Mosul hiện giờ là các cửa hàng bị đổ sập và nhà cửa đổ nát bởi các cuộc không kích và các cuộc tấn công pháo binh. Điều này khiến cho việc tái thiết gặp nhiều khó khăn. Quân đội Iraq và dân quân người Shiite sau khi giải phóng Mosul đã giúp người dân xây dựng lại nhà cửa.
Một người dân dọn dẹp lối vào ngôi nhà bị hư hại của mình ở tây Mosul vào ngày 13/7 (Ảnh: AP). |
Một binh sỹ Iraq nói: “Đây là đất nước của chúng ta. Như các bạn nhìn thấy thì thành phố đã bị phá hủy nặng nề. Chúng tôi đã đánh đuổi được nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi thành phố. Giờ nhiệm vụ của chúng tôi là giúp xây dựng lại thành phố, tạo lập hòa bình”.
Tuy vậy, đối với những người dân Mosul, thì cuộc sống phía trước còn quá nhiều thử thách khi các cơ sở hạ tầng đều bị hư hỏng cùng việc khan hiếm các nhu yếu phẩm cho việc ổn định cuộc sống. Cũng như nhiều gia đình khác quay trở về nhà sau khi Mosul được giải phóng khỏi tay nhóm Nhà nước Hồi giáo, Rroba Ali Ismail cho biết: "Chúng tôi không có bất cứ điều gì, chỉ có Chúa mới giúp được chúng tôi, chúng tôi không có thu nhập, con tôi trước đây đi làm thuê, nhưng giờ thì không có công việc để làm”.
Không chỉ đối mặt với những khó khăn trong việc tái thiết thành phố, việc đảm bảo an ninh tại Mosul hiện vẫn còn là một thách thức. Theo một chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Iraq, dù họ đã kiểm soát được khu vực này, các binh sĩ sẽ tiếp tục truy quét để tiêu diệt những phần tử Nhà nước Hồi giáo còn đang ẩn náu và vật liệu nổ bị cất giấu.
Với một số binh sĩ, việc của họ đơn giản là nhặt vũ khí lên và đi lục soát các đường hầm trong thành cổ. Họ sẽ phải trèo qua những chiến hào bê tông và thành lũy bằng đá. Các đợt không kích đã phá hủy thành phố, tạo ra những hố sâu, đất đá và mảnh vỡ chất đống, đôi khi cả khung xe trơ trọi trên những mái nhà.
Mukdim Thaer, một sĩ quan lực lượng chống khủng bố của Iraq nói: “Khu vực thành cổ rộng lớn. Vì vậy, chúng tôi cần nhiều thời gian hơn để rà soát khu vực này. Hàng ngày chúng tôi đều dọn dẹp thành phố, lực lượng rà phá bom mìn cũng đang dọn các thiết bị nổ. Có thể nghe thấy các tiếng nổ, nhưng các vụ nổ đó đều thực hiện có kiểm soát nhằm phá hủy chất nổ”.
Hiện các nhà chức trách Iaq vẫn đang kêu gọi người dân quay trở về Mosul. Thông báo của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq do giao tranh giữa quân đội chính phủ và các tay súng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, nhưng đến nay mới chỉ có gần 200.000 người trở về nhà.
Theo thông báo, trong số gần 1,05 triệu người đi lánh nạn sau khi quân đội Iraq mở cuộc tấn công nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Mosul bắt đầu hồi tháng 10/2016, có tới 825.000 người vẫn đang phải sơ tán. Năm 2014, ước tính thành phố này có số dân là 2 triệu người.
Người đứng đầu Tổ chức Di trú Quốc tế tại Iraq, Thomas Lothar Weiss cho biết, số lượng người dân rời khỏi Mosul đi lánh nạn cho thấy “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” trong khu vực. Chính vì thế, theo các nhà phân tích thì, để khôi phục hoàn toàn thành phố sẽ phải mất hàng tỷ đô la Mỹ cùng với thời gian hàng năm. Việc này cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nếu không thì rất có thể Mosul rơi vào tình trạng thảm họa nhân đạo./.
Xót xa cảnh đổ nát tại thành phố Mosul vừa được giải phóng khỏi IS