Israel tẩy chay Hội đồng nhân quyền của LHQ
(VOV) -Israel từ chối cử phái đoàn tới Hội đồng này vào thời điểm chuẩn bị đánh giá các vấn đề nhân quyền, theo định kỳ.
Israel vừa quyết định tẩy chay Diễn đàn của Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân quyền, trước những e ngại về việc bị chỉ trích đối với cách thức mà chính phủ nước này đối xử với những người Palestine, xua đuổi ra khỏi vùng đất đang tranh chấp. Israel trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử giành được quyền trì hoãn của phiên đánh giá thường kỳ về các vấn đề nhân quyền.
Israel đã từ chối cử phái đoàn tới Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc, vào thời điểm Hội đồng này chuẩn bị tiến hành đánh giá các vấn đề nhân quyền, theo định kỳ 4 năm/1 lần. Phiên đánh giá này bắt đầu vào hôm qua, tại Thụy Sĩ. Phía Israel đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc hồi tháng 3/2012, sau khi tổ chức này thành lập một ủy ban điều tra về những ảnh hưởng của kế hoạch định cư cho người Do thái đối với người Palestine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel, Yigal Palmor, tuyên bố: Sau một loạt các cuộc bỏ phiếu và ra thông cáo báo chí, cũng như các sự kiện diễn ra gần đây, chúng tôi đã quyết định hủy bỏ mối quan hệ hợp tác làm việc với tổ chức này. Tôi có thể khẳng định là không có sự thay đổi nào trong chính sách đó.
Trước quyết định của chính phủ Israel, Hội đồng này đã quyết định dừng phiên đánh giá cho tới tháng 11 năm nay. Chủ tịch Hội đồng này cũng kêu gọi Hội đồng nhân quyền ra bản dự thảo, nêu rõ quan điểm của Hội đồng trước hành động chưa từng có tiền lệ của Israel.
Đại diện của chính phủ Ai Cập trong khi đó cảnh báo rằng một biện pháp "mềm yếu" có thể làm tăng tình hình nguy hiểm và "để cánh cửa mở rộng cho nhiều trường hợp cố tình bất hợp tác trong thời gian tới". Các nhóm hành động vì nhân quyền quốc tế đã gọi hành động của chính phủ Israel là xúc phạm và đi ngược lại luật lệ quốc tế.
Tiến sĩ Samir Abdalla, Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Palestine, cho rằng: Chúng tôi, gồm cả người Israel và Palestine, đều mong muốn có hòa bình vào thời điểm quan trọng này. Bởi chiến tranh chỉ đem đến thảm họa cho mọi người. Nhưng những hành động của chính phủ Israel, như việc xây dựng hàng rào ngăn cách, xua đuổi người Palestine ra khỏi mảnh đất của họ, chỉ là dấu hiệu cho thấy một chính sách tụt lùi. Nó không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế Palestin, mà quan trọng hơn là làm ảnh hưởng tới bầu không khí chung của khu vực.
Vụ điều tra của Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền của Israel được bắt đầu từ năm 2007, nhưng năm ngoái, tổ chức này mới đặc biệt chú ý tới các hành động của Israel ở khu bờ Tây.
Khoảng 500.000 người Israel và 2,4 triệu người Palestine hiện đang sinh sống ở khu bờ Tây và Đông Jerusalem, các khu vực dọc dải Gaza, nơi người Palestine muốn xây dựng một nhà nước trong tương lai. Liên Hợp Quốc coi việc chính phủ Israel xúc tiến các kế hoạch định cư là bất hợp pháp./.