Italy thúc giục EU bổ sung các biện pháp chống nhập cư
VOV.VN - Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Italy là thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử trên toàn EU đối với các tàu cứu hộ trên biển Địa Trung Hải.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra tại Brussels, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã kêu gọi Liên minh châu Âu bổ sung các biện pháp mới trong chính sách nhập cư, nhất là vấn đề kiểm soát đường biên giới bên ngoài EU và đẩy mạnh hồi hương bắt buộc người nhập cư bất hợp pháp.
Phát biểu trước báo giới tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Italy là thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử trên toàn EU đối với các tàu cứu hộ trên biển Địa Trung Hải. Nữ Thủ tướng Italy cũng kêu gọi các nước châu Âu tăng cường đầu tư, hợp tác kinh tế vào châu Phi để giúp lục địa này phát triển và giữ chân những người có ý định vượt biển nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Ưu tiên tiếp theo của Italy là thúc đẩy vấn đề hồi hương bắt buộc đối với những người nhập cư bất hợp pháp. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ khoảng 1/5 số người nhập cư bất hợp pháp được đưa trở về nước xuất phát do thiếu nguồn lực và sự phối hợp chung từ phía EU. Đây được xem là chủ đề khó khăn hơn khi Italy không nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên EU cũng như trong chính nội bộ liên minh cầm quyền tại Italy.
Theo các nhà phân tích, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, chính trị gia đến từ đảng cực hữu “Những người anh em Italy” có nguồn gốc phát xít, luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong chính sách nhập cư và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Tại Italy, dưới sự thúc đẩy của bà Meloni, Nghị viện Italy đang xem xét một sắc luật cho phép hạn chế các hoạt động của các tàu cứu nạn trên biển thuộc các tổ chức phi chính phủ (NGO) bất chấp các cảnh báo từ châu Âu rằng điều này vi phạm luật hàng hải quốc tế.
Chính phủ Italy hiện cũng không cho phép tàu cứu hộ chở những người di cư gặp nạn được cập các cảng biển của Italy. Quan điểm cứng rắn về nhập của Italy đã gây ra những căng thẳng với nhiều thành viên EU khác, đặc biệt là với Pháp kể từ sau vụ việc tàu cứu hộ Ocean Viking phải chuyển hướng cập cảnh vào Pháp sau khi bị Italy từ chối đầu tháng 10/2022.
Theo Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), đã có 330.000 người nhập cư trái phép vào châu Âu trong năm 2022, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2016./.