Kế hoạch hòa bình gây sốc của Mỹ biến ác mộng của Ukraine và châu Âu thành sự thật?

VOV.VN - Sự đột ngột và quy mô của kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các đồng minh của Ukraine bị sốc.

Kế hoạch hòa bình gây sốc của ông Trump

Đó là khoảnh khắc mà người dân châu Âu và Ukraine đã lo sợ trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm. Tuy nhiên, cuối cùng nó đã đến, vào một buổi chiều mùa đông khi Kiev đóng băng trong nhiệt độ băng giá. Sự đột ngột và quy mô của kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các đồng minh của Ukraine bị sốc.

Mỹ đã thực sự chấm dứt sự ủng hộ của mình đối với Ukraine khi nước này đang trong cuộc giao tranh với Nga với việc ông Trump thông báo về các cuộc đàm phán ngay lập tức với Tổng thống Nga Vladimir Putin và yêu cầu nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky từ bỏ hy vọng giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth là người đầu tiên tiết lộ lập trường của Mỹ trong một cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels. Ông Hegseth nói với những người đồng cấp tại thủ đô của Bỉ rằng ông Zelensky không có cơ hội đạt được mục tiêu cuối cùng, đó là đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi Crimea và phía Đông đất nước, cũng như đưa Ukraine trở lại biên giới trước năm 2014.

"Theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này sẽ chỉ kéo dài xung đột và gây ra nhiều đau khổ hơn", ông Hegseth cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó cảnh báo Washington sẽ rút các cam kết của mình đối với an ninh châu Âu, từ bỏ vai trò lịch sử đã duy trì kể từ khi Thế chiến II kết thúc và đưa ra một tầm nhìn rõ ràng, trong đó các chính phủ châu Âu sẽ chịu trách nhiệm chính cho việc phòng thủ của chính họ cũng như của Ukraine.

Không lâu sau, ông Trump đã dập tắt mọi hy vọng về việc châu Âu có thể tránh khỏi thực tế lạnh lẽo này khi tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng: "Tôi vừa có một cuộc điện đàm dài và hiệu quả với Tổng thống Nga Vladimir Putin".

"Chúng tôi đã nhất trí sẽ để các đội ngũ của mình bắt đầu đàm phán ngay lập tức và gọi điện cho Tổng thống Ukraine Zelensky để thông báo cho ông ấy về cuộc trao đổi. Hàng triệu người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột mà lẽ ra sẽ không xảy ra nếu tôi là Tổng thống nhưng nó đã xảy ra, vì thế nó phải kết thúc. Sẽ không có sinh mạng nào mất đi nữa", ông Trump nói.

Phản ứng của Ukraine và châu Âu

Tổng thống Zelensky đã tỏ ra bình tĩnh trước diễn biến mới, tóm tắt trong một bài đăng trên mạng xã hội X về cuộc trao đổi mà ông cho là "có ý nghĩa" với ông Trump.

"Tổng thống Trump đã chia sẻ thông tin chi tiết về cuộc trao đổi của mình với ông Putin. Không ai muốn hòa bình hơn Ukraine. Cùng với Mỹ, chúng tôi đang vạch ra các bước tiếp theo để ngăn chặn sự gây hấn từ Nga và đảm bảo một nền hòa bình lâu dài, đáng tin cậy. Như Tổng thống Trump đã nói, hãy thực hiện điều đó", ông Zelensky khẳng định.

Các nhà ngoại giao châu Âu dường như không chắc chắn về cách phản ứng khi họ cố gắng xử lý các chi tiết trong thông báo của ông Hegseth và ông Trump. Sự thật tàn khốc là, ít nhất là ở cấp độ Liên minh châu Âu, các mối quan hệ với Nhà Trắng mới tệ đến mức hầu như không tồn tại. Không có bình luận ngay lập tức từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas nhận định trên X rằng, "trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, châu Âu phải có vai trò trung tâm", đồng thời nói thêm: "Sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không được đem ra làm điều kiện. Ưu tiên của chúng tôi hiện nay là củng cố năng lực cho Ukraine và cung cấp các đảm bảo an ninh mạnh mẽ".

Một số đồng minh của Ukraine đã thẳng thắn hơn trong việc phản đối cách tiếp cận của ông Trump, đặc biệt là quyết định của ông về việc đưa ra một kế hoạch hòa bình trực tiếp với ông Putin và dường như chỉ liên quan đến nhà lãnh đạo Ukraine như một sự cân nhắc sau cùng.

"Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, sẽ không có quyết định nào được đưa ra về Ukraine nếu không có Ukraine", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các nhà báo. Theo bà: "Hòa bình chỉ có thể đạt được cùng nhau. Và điều đó có nghĩa là nó phải diễn ra với sự tham gia của Ukraine và châu Âu".

Phát biểu với Politico, Ngoại trưởng Latvia Baiba Braže cho biết: "Sự tham gia của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào đều cực kỳ quan trọng".

Giấc mộng NATO sụp đổ?

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết Ukraine cần nhiều sự hậu thuẫn về mặt quân sự hơn trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin.

"Ba Lan sẽ kiên định tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Việc tăng cường năng lực của Ukraine trước các cuộc thảo luận tiềm năng với Nga là rất quan trọng với châu Âu", Ngoại trưởng Ba Lan cho hay.

Pháp cũng bất đồng quan điểm với Mỹ, nhấn mạnh rằng Ukraine nên tiếp tục trên con đường gia nhập NATO. Trước đó, ông Hegseth đã loại trừ khả năng này, ít nhất là như một phần của bất kỳ đảm bảo an ninh nào đi kèm với thỏa thuận hòa bình. Ông cũng loại trừ sự tham gia của quân đội Mỹ vào bất kỳ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nào và cho biết NATO với tư cách là một tổ chức cũng không nên tham gia.

"Chúng tôi theo sát con đường hướng tới NATO của Ukraine. Nếu có hòa bình, chúng ta cần các đảm bảo an ninh để nó công bằng và lâu dài. An ninh châu Âu đang bị đe dọa trong cuộc xung đột này - một sự kiện làm đảo lộn trật tự thế giới và đồng nghĩa với việc chúng ta không thể quay lại thế giới trước xung đột", Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot nhận định.

Trong thông báo của mình, ông Trump cho biết một đội ngũ sẽ bắt đầu đàm phán với các đại diện của ông Putin ngay lập tức. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ cùng với Giám đốc CIA John Ratcliffe và Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz tham gia với tư cách là một phần của nhóm đàm phán Mỹ.

"Tôi tin rằng nỗ lực này sẽ dẫn đến một kết quả thành công, hy vọng là sớm thôi!", ông Trump cho biết.

Oleksandr Merezhko - người đứng đầu ủy ban quan hệ đối ngoại tại quốc hội Ukraine, cho biết những bình luận của ông Hegseth là "phi logic".

"Bộ trưởng Quốc phòng mới chỉ cần bắt đầu bằng cách đến Ukraine và làm quen với lực lượng vũ trang của chúng tôi. Ukraine có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình, điều này hoàn toàn là sự thật. Nhưng đế nó xảy ra, chúng tôi cần có thêm sự hỗ trợ kỹ thuật - quân sự từ Mỹ và các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn - đặc biệt là các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ đối với nền kinh tế Nga".

Các quan chức Anh cho biết họ cũng nhất trí rằng châu Âu nên hành động nhiều hơn.

"Chúng tôi lắng nghe các bạn", Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey phản hồi về những bình luận của người đồng cấp Mỹ. Theo ông: "Về việc tăng cường bảo vệ Ukraine cũng như châu Âu, chúng tôi đang và sẽ làm".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NATO họp lần đầu kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, bàn về xung đột Ukraine
NATO họp lần đầu kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, bàn về xung đột Ukraine

VOV.VN - Nhóm liên lạc về các vấn đề quốc phòng của Ukraine và các bộ trưởng Quốc phòng NATO hôm qua (12/02) đã nhóm họp tại thủ đô Brussels, Bỉ, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hôm 20/1 vừa qua.

NATO họp lần đầu kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, bàn về xung đột Ukraine

NATO họp lần đầu kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, bàn về xung đột Ukraine

VOV.VN - Nhóm liên lạc về các vấn đề quốc phòng của Ukraine và các bộ trưởng Quốc phòng NATO hôm qua (12/02) đã nhóm họp tại thủ đô Brussels, Bỉ, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hôm 20/1 vừa qua.

Mỹ làm rõ cách tiếp cận đối với cuộc xung đột ở Ukraine
Mỹ làm rõ cách tiếp cận đối với cuộc xung đột ở Ukraine

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 12/2 đã có bài phát biểu làm rõ cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

Mỹ làm rõ cách tiếp cận đối với cuộc xung đột ở Ukraine

Mỹ làm rõ cách tiếp cận đối với cuộc xung đột ở Ukraine

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 12/2 đã có bài phát biểu làm rõ cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

Toàn cảnh quốc tế sáng 13/2: F-16 Ukraine lần đầu mang bom lượn ra chiến trường
Toàn cảnh quốc tế sáng 13/2: F-16 Ukraine lần đầu mang bom lượn ra chiến trường

VOV.VN - Một đoạn video hiếm hoi xuất hiện trên mạng được cho là ghi lại cảnh tiêm kích F-16AM Fighting Falcon (tạm dịch "Chim cắt") của không quân Ukraine lần đầu tiên tham chiến khi mang theo bom lượn.

Toàn cảnh quốc tế sáng 13/2: F-16 Ukraine lần đầu mang bom lượn ra chiến trường

Toàn cảnh quốc tế sáng 13/2: F-16 Ukraine lần đầu mang bom lượn ra chiến trường

VOV.VN - Một đoạn video hiếm hoi xuất hiện trên mạng được cho là ghi lại cảnh tiêm kích F-16AM Fighting Falcon (tạm dịch "Chim cắt") của không quân Ukraine lần đầu tiên tham chiến khi mang theo bom lượn.