Khả năng Nga tấn công Ukraine: Phương Tây “đồn”, Nga bác bỏ - Ukraine “hạ thấp” tin đồn
VOV.VN - Những ngày qua, căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây không ngừng leo thang, khi Mỹ và NATO đồn đoán khả năng Nga có thể sớm tấn công Ukraine. Tuy nhiên, Nga luôn bác bỏ điều này, trong khi Tổng thống Ukraine ngày 28/1 kêu gọi phương Tây “ngừng gây hoảng loạn”.
Trong các tuyên bố mới nhất, Mỹ vẫn lo Nga có thể sớm tấn công Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đã có năng lực quân sự để hành động nhằm vào Ukraine sau quá trình tập trung lực lượng trên biên giới giữa hai nước.
“Mặc dù chúng tôi không tin rằng Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng quân đội chống lại Ukraine, nhưng rõ ràng ông ấy hiện có khả năng đó và có nhiều lựa chọn cho ông ấy, bao gồm cả khả năng chiếm của các thành phố và các vùng lãnh thổ quan trọng, hoặc có các hành động cưỡng chế hoặc các hành vi khiêu khích chính trị như việc công nhận các vùng lãnh thổ ly khai”, ông Austin nói.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cảnh báo về những tổn thất về tính mạng và tài sản ở mức độ “kinh hoàng” trong trường hợp Nga tiến hành cuộc xâm lược tổng lực nhằm vào Ukraine. Ông kêu gọi Nga theo đuổi các giải pháp ngoại giao.
“Nếu chiến tranh nổ ra, dân thường sẽ phải chịu đựng vô cùng đau khổ. Chúng tôi kêu gọi Nga từ bỏ và theo đuổi một giải pháp thông qua ngoại giao. Lực lượng vũ trang luôn phải là giải pháp cuối cùng. Thành công ở đây là thông qua đối thoại”, ông Milley nhán mạnh
Tuy nhiên, ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hạ thấp lo ngại của Mỹ và đồng minh NATO về khả năng Nga tấn công nước này, cáo buộc họ tạo ra một “cơn hoảng loạn”.
“Chúng tôi có xe tăng trên các con phố không? Câu trả lời là Không. Khi bạn đọc thông tin trên truyền thông, bạn sẽ tưởng tượng ra hình ảnh quân đội của chugs tôi sẽ xuất hiện trong thành phố, người dân chạy trốn. Sự thật không phải như vậy”, Tổng thống Zelensky nói.
Tổng thống Zelensky cho biết, có một số lãnh đạo các nước nói “ngày mai có thể xảy ra chiến tranh”, nhưng điều này chỉ tạo ra cơn hoảng loạn. Mặc dù không loại trừ khả năng xảy ra xung đột, nhà lãnh đạo Ukraine phủ nhận cảnh báo lặp đi lặp lại của Mỹ rằng một cuộc tấn công của Nga có thể “sắp xảy ra”.
Các cảnh báo của phương Tây được đưa ra trong bối cảnh Nga không hài lòng về “Hồi đáp” của Mỹ và NATO với đề xuất an ninh của nước này, trong đó có việc mở rộng của NATO và khả năng kết nạp Ukraine. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, hôm qua Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ phản hồi của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với đề xuất an ninh của Nga không giải quyết được những quan ngại chính của Moskva. Phương Tây đã “phớt lờ” yêu cầu của Nga.
Còn Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, nước này không muốn xảy ra chiến tranh với Ukraine. Theo ông, khả năng xảy ra chiến tranh nếu phụ thuộc vào Nga thì sẽ không xảy ra, nhưng Moskva sẽ không cho phép các lợi ích an ninh của mình bị phớt lờ.
Trước những căng thẳng liên quan đến vấn đề, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hối thúc Nga và Ukraine giải quyết căng thẳng biên giới thông qua các kênh mà hai bên đã nhất trí và các khuôn khổ ngoại giao hiện có. Ông Guterres tin rằng, hai bên sẽ không để xảy ra xung đột quân sự. Dự kiến, Đức sẽ chủ trì cuộc họp tiếp theo theo thể thức Normandy trong hai tuần tới ở Berlin nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine./.