Khủng bố 11/9: Nỗi kinh hoàng ghi khắc tận... ADN
15 năm sau sự kiện tấn công khủng bố chưa từng có trong lịch sử Mỹ , nỗi đau vẫn hằn sâu trong lòng nước Mỹ dù vết tích của vụ tấn công đã phai nhòa.
Ngày 11/9/2016, tên của gần 3.000 nạn nhân sẽ một lần nữa được đọc lên tại Khu vực số 0 (Ground Zero), nay là Bảo tàng Tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 và khu Trung tâm Thương mại Thế giới mới tại thành phố New York.
Một phụ nữ Mỹ đến tưởng nhớ người thân ở khu tưởng niệm khắc tên các nạn nhân hôm 10/9. Ảnh: Reuters.
Lễ tưởng niệm tại New York sẽ có 6 phút im lặng, đánh dấu 6 thời khắc kinh hoàng của vụ khủng bố 15 năm trước, bao gồm thời điểm 2 máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới; khi 2 tòa tháp này sụp đổ; khi Lầu Năm Góc bị tấn công và khi chuyến bay 73 lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.
Trong phút im lặng đầu tiên lúc 8h46 ngày 11/9h địa phương (tức 19h46 giờ Việt Nam), toàn bộ chuông các nhà thờ ở New York sẽ rung lên để tưởng niệm giây phút chuyến bay số 11 của Hãng hàng không American Airlines đâm vào tòa tháp phía Bắc 15 năm trước.
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hilary Clinton ông Donald Trump đã thông báo đều sẽ tham dự sự kiện này.
Tham gia lễ tưởng niệm tại Lầu Năm Góc ở Thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ có bài phát biểu tại đây.
Trước đó, trong một bài phát biểu hàng tuần ngày 10/9, Tổng thống Obama nhấn mạnh cách thức phản ứng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đối phó với khủng bố. Ông Obama khẳng định: "Chúng ta không thể nhân nhượng với những người sẽ chia rẽ chúng ta. Chúng ta không thể phản ứng theo cách có thể bào mòn kết cấu của xã hội chúng ta".
Các buổi lễ tưởng niệm sẽ lại được tổ chức thường niên. Tên của các nạn nhân sẽ được khởi xướng.
Nhưng mỗi lần như thế, hơn 1.000 gia đình lại gặm nhấm nỗi đau vì không biết được thi thể người thân của mình.
Chính xác thì có tổng cộng 2.753 nạn nhân trong vụ tấn công hai tòa tháp ở New York nhưng việc xác định được phần thi thể thuộc về ai đã gần như giậm chân tại chỗ trong một thời gian dài gần đây.
Hơn 1.000 người chết chưa được xác định danh tính
Đến tháng 3/2015, các nhà chuyên môn mới chỉ xác định thêm được một phần thi thể thuộc về danh tính thứ 1.640 – tức là vẫn còn 1.113 người có tên mà không có phần thân xác thuộc về mình.
Thực ra hơn 7.000 phần thi thể hiện đang được cho là vô danh vẫn đang được lưu trữ cách không xa khu tưởng niệm để phục vụ công tác điều tra và cũng được dùng làm nơi để các gia đình chưa nhận được phần thi thể người thân đến đây tưởng nhớ chung.
Hồi năm 2005, công tác phân tích xác định thi thể nạn nhân từng phải dừng lại một năm vì nhiều lý do mà chủ yếu là quá khó khăn.
Công việc chỉ được phục hồi lại sau đó khi người ta tìm kiếm được thêm các phần thi thể mới và có những tiến bộ trong khoa học cho phép tạo tiến bộ trong công tác xác định danh tính.
Nhưng tính trong 5 năm qua thì các nhà chuyên môn cũng chỉ xác định thêm được phần thi thể của 11 nạn nhân.
Phương pháp giám định truyền thống là xét nghiệm răng, ảnh, dấu tay nhưng nhiều trường hợp thi thể đã bị cháy thành tro hoặc với những thi thể nát bấy trong đống đổ nát, các nhà khoa học phải làm việc tỉ mẩn như những thám tử.
Không ít lần họ phải dùng đến robot để làm sạch xác chết rồi lấy mẫu cho họ xét nghiệm ADN. Hoặc có trường hợp phải giám định một mẩu xương nhỏ chỉ bằng đồng xu bị văng xa rơi trên nóc tòa nhà của Ngân hàng Đức và sau đó mới xác định được đó là nạn nhân của tòa nhà tháp đôi.
Chấn thương tâm lý và bệnh tật thể xác vẫn còn
Nước Mỹ còn phải chịu thêm nỗi đau khác là khoảng 75.000 người đến nay vẫn còn bị rối loạn tinh thần hoặc thể xác liên quan đến các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Đa phần trong số này là những người tham gia lực lượng cứu hộ không quảng thân mình để tìm cứu những mạng sống khác. Trong quá trình đổ về tòa nhà tháp đôi và thậm chí đào bới sau thời điểm đó, họ đã hít phải khói bụi độc hại trong thời gian dài và nay phát tác thành bệnh ung thư.
Bác sĩ Michael Crane hiện là người phụ trách chương trình chăm sóc y tế WTC (Word Trade Center) dành cho những người ảnh hưởng bởi sự kiện 11/9.
Theo ông Crane, số lượng tình nguyện viên, nhân viên cứu hộ… có mặt tại Ground Zero sau vụ tấn công là khoảng 90.000 người. Và hiện có 65.000 người đang được theo dõi sức khoẻ bởi chương trình chăm sóc y tế WTC.
Hơn 5.000 người trong số đó đang mắc ung thư với tỉ lệ khoảng 40% là ung thư đường hô hấp và tiêu hoá. Bởi trong bầu không khí tại Ground Zero có chứa bụi Amiăng. Loại bụi này có thể gây nên các vấn đề về phổi, nặng hơn là ung thư.
Những người tham gia chương trình chăm sóc y tế này ngoài việc được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ về sức khoẻ, còn được nhận một khoản bồi thường từ quỹ James Zadroga (tên quỹ được đặt theo tên một thám tử đã bị mắc bệnh chết người sau khi làm việc tại Ground Zero).
Tháng 12/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một đạo luật thông qua việc tiếp tục tài trợ cho quỹ James Zadroga đến năm 2090./.