Khủng hoảng người di cư trái phép bằng đường biển Địa Trung Hải
VOV.VN - Người di cư không chỉ là gánh nặng tài chính mà còn đe dọa đối với an ninh quốc gia của nhiều nước
Giới chức Italy cho biết, trong vòng 9 ngày qua từ 5-13/4, cảnh sát biển nước này và đội tuần tra Cơ quan quản lý biên giới thuộc Liên minh châu Âu (Frontex) đã phát hiện và cứu sống hơn 2.000 người nhập cư trái phép Trung Đông, Bắc Phi gặp nạn do đắm tàu trên biển Địa Trung Hải trong tình trạng kiệt sức.
Giới chức Italy và châu Âu nhận định, những con số biết nói vừa nêu là dấu hiệu tái diễn một làn sóng người nhập cư mới chủ yếu từ các nước Bắc Phi và Trung Đông – nơi đang xảy ra xung đột và bất ổn chính trị nghiêm trọng. Liên minh châu Âu lo ngại, làn sóng nhập cư trái phép đặc biệt là vào các nước Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Hi Lạp trong năm nay sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều. Bởi, không chỉ giải quyết gánh nặng tài chính, những nước này gia tăng lo ngại rằng các phần tử khủng bố có thể trà trộn trong các đoàn người di cư bất hợp pháp để thâm nhập vào đất nước họ.
Trước bài toán nan giải này, Italia và một số nước có chung bờ biển Địa Trung Hải một lần nữa kêu gọi kêu gọi Liên minh châu Âu hành động quyết đoán hơn nữa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp G7 vừa diễn ra ở Đức, ngoại trưởng Italia Paolo Gientiloni nhấn mạnh, mối lo ngại lớn nhất của chính phủ Roma hiện nay là cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya, đã khiến cho vấn đề nhập cư trở thành gánh nặng của quốc gia này.
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bất ổn ở Libya. Bởi đây chính là cửa ngõ dẫn vào châu Âu. Đây cũng là vấn đề được quan tâm tại Hôi nghị G7. Rõ ràng, vấn nạn người di cư không chỉ của riêng Italia mà của toàn châu Âu. Đã có sự cam kết của chính phủ Italia về vấn đề này, song tôi cho rằng đây không phải cam kết của một quốc gia đơn lẻ, mà phải có cam kết hành động ở cấp độ chung châu Âu nữa. Chúng tôi đang thực sự rất cần điều đó”- ông Paolo Gientiloni nói.
Trước sức ép về vấn đề người nhập cư nói chung, nhiều nước trong Liên minh châu Âu đã thực thi nhiều biện pháp ngăn chặn như chiến dịch phối hợp giữa các nước có chung đường biên giới với bên ngoài, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, song do mỗi nước có những chính sách giải quyết người nhập cư trái phép khác nhau nên đến nay Liên minh châu Âu vẫn “loay hoay” với cho bài toán hóc búa này. Có ý kiến còn cho rằng, việc giải quyết vấn đề người nhập cư chính là một “thử thách đoàn kết" trong Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, Tổ chức Di trú Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác liên tục hối thúc Liên minh châu Âu tăng cường các hoạt động cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn trên biển, trước khi dòng người di cư bất hợp pháp được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng mùa hè tới./.