Khủng hoảng tại Ukraine chưa chấm dứt
VOV.VN - Hôm nay (16/2), phe đối lập tại Ukraine dự định tiến hành cuộc biểu tình mới với quy mô lớn tại Kiev.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục có những quan điểm khác nhau đối với tình hình tại Ukraine. Điều này khiến cơn khủng hoảng chính trị tại Ukraine chưa thể tìm ra lối thoát trong tương lai gần.
Theo báo chí nước ngoài, đây là cuộc biểu tình lớn lần thứ 11 diễn ra tại thủ đô Kiev kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra hồi tháng 11/2013 nhằm phản đối việc Tổng thống Viktor Yanukovich từ chối ký hiệp ước liên kết với Liên minh châu Âu (EU).
Người dân Ukraine vẫn tiến hành biểu tình (Ảnh AP) |
Đây cũng được cho là lời tuyên chiến đối với lệnh của Chính phủ yêu cầu người biểu tình phải rút khỏi tòa nhà, cơ quan Chính phủ tại các thành phố bị chiếm giữ và dỡ bỏ các rào chắn tại những khu vực chiếm đóng bất chấp việc trước đó ngày 14/2, Chính quyền Ukraine tạm thời trả tự do cho 234 người biểu tình bị bắt giữ nhằm xoa dịu tình trạng bất ổn kéo dài.
Trong bối cảnh người biểu tình lên kế hoạch tiến hành cuộc biểu tình lớn vào hôm nay (16/2) tại nhiều địa điểm, trong đó có Tòa thị chính gần Quảng trường Ðộc lập ở trung tâm thủ đô Kiev, Tổng thống Yanukovich đã kêu gọi người biểu tình nhượng bộ. Ông nhấn mạnh, ông không muốn chiến tranh nổ ra, mà muốn bảo vệ đất nước cũng như mang lại sự phát triển ổn định cho quốc gia.
Tổng thống Yanukovich cũng tuyên bố, chính phủ có đủ lực để đẩy lùi những hành động cực đoan gây ảnh hưởng tiêu cực sự ổn định và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bất chấp những nhượng bộ của phía Chính phủ, phe biểu tình tuyên bố, mục đích của cuộc biểu tình là nhằm yêu cầu Tổng thống Yanukovich phải từ chức.
Ông Dmytro Bulatov-một trong những lãnh đạo của phe biểu tình cho biết: “Phía Chính phủ đã giảm bớt áp lực trong thời gian ngắn nhưng rồi họ sẽ lại gia tăng áp lực. Đề nghị của chúng tôi là ông Yanukovich phải từ chức. Bất chấp việc ông muốn tại vị thì yêu cầu này của chúng tôi sẽ không thay đổi”.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục có quan điểm khác nhau đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đặc biệt giữa Nga và Mỹ, Liên minh châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15/2, bà Catherine Ashton - đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, các nhượng bộ của Tổng thống Ukraine với người biểu tình là chưa đủ để tháo ngòi cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. Bà kêu gọi các nhà lãnh đạo tại Ukraine cần phải tiến hành cải tổ dân chủ hơn nữa.
Bà Ashton nói: “Những người mang trên mình trách nhiệm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp người dân Ukraine cần phải đảm bảo những quyền đó được bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế của Ukraine. Chúng tôi hy vọng sớm tìm ra giải pháp giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ukraine. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các bên tại Ukraine và các tổ chức quốc tế khác để tìm ra một giải pháp cho nước này”.
Trong khi đó, ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đang gây sức ép buộc Ukraine phải đối mặt với sự lựa chọn giữa một bên là Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) với một bên là Liên minh châu Âu.
Ông cũng nêu rõ cách tiếp cận này của Liên minh châu Âu là phi lý, không cân nhắc tới các tác động lâu dài. Bên cạnh đó, ông Churkin cũng chỉ trích các quan chức Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt lựa chọn lên người dân Ukraine trong các vấn đề tương lai của đất nước và thành phần Chính phủ.
Ông Churkin nói: “Bà Catherine Ashton gần đây đã đề cập đến vấn đề của Ukraine và chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng, lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine phải do người dân nước này quyết định. Chúng tôi hy vọng rằng ý tưởng này sẽ được thực hiện trong thực tế mà không có bất kỳ mối đe dọa trừng phạt hoặc cạnh tranh trong việc thúc đẩy các giá trị châu Âu hoặc sẽ bao gồm ai sẽ có chân trong Chính phủ tương lai của Ukraine. Chúng tôi cũng tin rằng, Liên minh châu Âu có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về cách phải đối phó với các cuộc biểu tình đường phố”.
Như vậy, kể từ sau tháng 11/2013, nhiều người dân Ukraine đã tràn xuống đường biểu tình để phản đối việc Tổng thống Yanukovich bất ngờ từ chối ký kết một hiệp ước liên kết thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
Cho tới nay, những vụ bạo động tại thủ đô Kiev đã khiến 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Sự bế tắc tại Ukraine khiến quốc tế lo ngại, nếu các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra thì khó có thể mở được cánh cửa cho việc đối thoại và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho quốc gia Đông Âu này./.