Khủng hoảng vùng Vịnh: Yêu sách của 4 nước Arab sẽ không đổi
VOV.VN - Một cuộc đàm phán trực tiếp, thẳng thắn giữa các bên nhằm giải quyết khủng hoảng hiện vẫn còn khá “xa vời”.
Bất chấp việc cộng đồng quốc tế cho rằng, bản danh sách gồm 13 yêu cầu mà 4 quốc gia Arab đặt điều kiện để nối lại quan hệ với Qatar là khiêu khích, vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế hay khó có thể thực hiện, các quốc gia Arab vẫn kiên quyết không nhượng bộ để thay đổi bản danh sách yêu cầu này.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir. (Ảnh: AP) |
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 26/6 cho biết, sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào về danh sách các yêu cầu mà nước này cùng một số nước Arab đồng minh đã soạn và gửi cho Qatar. Theo ông, các yêu cầu trong bản danh sách này sẽ không thay đổi.
Ông Adel al-Jubeir khẳng định, Qatar đã biết phải làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. Nếu Qatar không thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà 4 nước Arab đưa ra thì nước này sẽ tiếp tục bị cô lập.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã tới Mỹ để gặp người đồng cấp Rex Tillerson với mục tiêu tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng. Bản danh sách các yêu cầu mà 4 nước Arab gửi cho Qatar được xem là nội dung chính trong cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng.
Phát biểu sau cuộc gặp tại thủ đô Washington, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tái khẳng định, việc cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố là thiếu căn cứ và bản danh sách điều kiện để nối lại quan hệ của các nước Arab là thiếu thực tế và không thể chấp nhận được.
Cùng chung quan điểm, ngày 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết, Qatar khó có thể đáp ứng tất cả những đòi hỏi mà các nước Arab cấm vận nước này đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Tillerson, Qatar và các nước Arab vẫn có thể ngồi lại với nhau vì một mục đích chung – đó là chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 26/6 cũng khẳng định danh sách 13 yêu cầu mà 4 nước Arab dành cho Qatar, nhằm nối lại mối quan hệ, mang tính chất “rất khiêu khích”, bởi một số yêu cầu trong đó đã thách thức vấn đề chủ quyền của Qatar. Phát biểu sau cuộc họp kéo dài 90 phút với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng Qatar tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp để tránh leo thang thêm căng thẳng.
“Cuộc khủng hoảng Qatar càng kéo dài thì các cuộc xung đột tại khu vực càng trở nên nghiêm trọng hơn”, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói. “Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có những cuộc đàm phán trực tiếp giữa tất cả các bên liên quan để giải quyết vấn đề Qatar và không ai có thể lợi dụng được tình hình này để trục lợi. Tôi kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm những lựa chọn phù hợp để cùng nhau đàm phán trực tiếp và tạo cơ hội cho Kuwait thúc đẩy các nỗ lực hòa giải”.
Đầu tháng 6 vừa qua, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã đồng loạt cắt đứt quan hệ và trừng phạt kinh tế đối với Qatar với cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực.
Sau đó, 4 quốc gia Arab đưa ra một tối hậu thư để nối lại quan hệ, bao gồm yêu cầu Qatar hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này, cũng như kênh truyền hình nhà nước Al-Jazeera.
Tuy nhiên, Chính phủ Qatar phủ nhận cáo buộc và cho rằng tối hậu thư là nhằm mục đích hạn chế chủ quyền của Qatar./.
Căng thẳng vùng Vịnh: Các nước Arab chờ đợi gì từ Qatar?