Vùng Vịnh tiếp tục căng thẳng với yêu sách 13 điểm
VOV.VN - Qatar và các nước láng giềng vẫn duy trì các quan điểm đối lập, không bên nào chịu xuống thang khiến căng thẳng tại vùng Vịnh chưa thể hạ nhiệt.
Sau gần 1 tháng diễn ra, khủng hoảng vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong một diễn biến mới nhất, chính phủ Qatar đã bác bỏ bản yêu sách 13 điểm mà các nước Arap gửi tới, cho rằng bản yêu sách này đã vi phạm chủ quyền của Qatar và không hợp lý.
Qatar và các nước láng giềng vẫn duy trì các quan điểm đối lập, không bên nào chịu xuống thang khiến căng thẳng tại vùng Vịnh chưa thể hạ nhiệt. (Ảnh minh họa: AP)
Về phần mình, các nước Arab nhấn mạnh nếu Qatar từ chối tuân thủ bản yêu sách theo khung thời hạn đã định, họ sẽ tiếp tục cô lập Qatar cả về đường biển, đường bộ và đường không một cách vô hạn định. Cùng thời điểm, cũng đã có những động thái chuẩn bị về quân sự được triển khai khiến dư luận nghĩ tới khả năng có thể xảy ra xung đột.
Nguyên nhân căng thăng chưa hạ nhiệt
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, vai trò trung gian hòa giải của Kuwait chưa có bước tiến triển, đột phá mới, khi Qatar và các nước láng giềng vẫn duy trì các quan điểm đối lập riêng, không bên nào chịu xuống thang, nhượng bộ, từ đó khiến căng thẳng tại vùng Vịnh chưa thể hạ nhiệt.
Thậm chí, ngay khi chuyển bản yêu sách 13 điểm cho Qatar, các quốc gia láng giềng Arab cũng đưa ra lời cảnh báo, nếu sau 10 ngày Qatar không nhất trí thực hiện theo các yêu cầu này, thì việc Doha rời khỏi khối Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ là điều không tránh khỏi.
Nguyên nhân khiến các bên chưa thể ngồi vào bàn đàm phán là do: Thứ nhất, việc Mỹ thay đổi chính sách đối với khu vực, nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Saudi Arabia hồi cuối tháng trước, đã châm ngòi và thổi bùng những căng thẳng, bất đồng vốn tồn tại âm ỷ trong thời gian dài giữa Qatar với các quốc gia vùng Vịnh Arab.
Trước đó, mâu thuẫn bắt nguồn từ cách mạng Mùa Xuân Arab khi Qatar thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các phong trào cải cách dân chủ ở Trung Đông – nhưng đây lại được xem là điều “cấm kỵ” đối với các chế độ nhà nước quân chủ như Saudi Arabia và đồng minh của họ ở khu vực này.
Thứ hai, đối với Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh Arab, sẽ và không bao giờ muốn chấp nhận để Qatar đứng ngoài những “chuẩn mực” của khu vực, trong đó trọng tâm là việc chống lại tầm ảnh hưởng của Iran. Do đó, trong yêu sách gửi đến Qatar, các nước vùng Vịnh Arab đã yêu cầu Qatar phải đi theo đúng “quỹ đạo” về kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Thứ ba, trong khi đó, Qatar vẫn chưa muốn và chưa bị buộc phải từ bỏ một chính sách có thể được xem là trái ngược với các nước vùng Vịnh. Thậm chí, mới đây, Chính phủ Qatar đã ra tuyên bố cứng rắn, sẽ không thương lượng chừng nào các quốc gia Arab gỡ bỏ các lệnh cấm vận, phong tỏa đối với nước này. Iran “bênh” Qatar, Mỹ kêu gọi giải pháp cho khủng hoảng vùng Vịnh
Được biết, nhằm duy trì ổn định kinh tế trước sự cô lập của các nước láng giềng, trong những ngày qua, Qatar đã tìm cách nhập khẩu lương thực từ các quốc gia láng giềng khác như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thay thế phần thiếu hụt bởi lệnh cấm giao thương, đồng thời tiếp tục đảm bảo các hoạt động khai thác xuất khẩu dầu và khí đốt để tạo chỗ đứng an toàn cho nền kinh tế của Doha.
Bên cạnh đó, Qatar còn có “gậy chống lưng” là Mỹ, mà cho đến nay vẫn chưa có hành động cụ thể nào nhằm gây áp lực lên Doha, bởi đây là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Washington ở Trung Đông.
Trong bối cảnh các bên chưa tìm được tiếng nói chung thì yêu sách 13 điểm của các nước vùng Vịnh và Arab đưa ra với Qatar cuối tuần qua như điều kiện tiên quyết để đàm phán càng cho thấy sự bế tắc.
Yêu cầu lần này cụ thể hơn là 13 điểm. Nhưng báo chí khu vực và các nhà phân tích nhìn nhận, thì có những yêu sách chung chung như: “trả một khoản bồi thường cho các nạn nhân và tổn thất do các chính sách Qatar trong những năm trước đó” hay có những yêu sách mà Qatar cho là không phù hợp và thiếu khả thi, đồng thời thẳng thừng từ chối như: đóng cửa kênh truyền hình nhà nước Qatar AlJazeera và một số trang mạng của nước này; đóng cửa ngay lập tức của căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được xây dựng trong lãnh thổ Qatar' hay cắt giảm quan hệ với Iran; hay yêu cầu 13 là thời hạn thực thi giám sát, theo đó báo cáo việc thực hiện các yêu cầu này định kỳ mỗi tháng một lần trong năm đầu tiên, và ba tháng cho năm thứ hai, và một lần mỗi năm trong vòng 10 năm.
Phía Qatar coi những yêu cầu này là không thực tế. Giám đốc văn phòng liên lạc của chính phủ ở Qatar, Sheikh Saif bin Ahmed nhấn mạnh rằng những đòi hỏi của các nước vùng Vịnh Arab nhằm hạn chế chủ quyền của Nhà nước Qatar và can thiệp trong chính sách đối ngoại của nước này. Ông nói thêm rằng những đòi hỏi này không phù hợp với các tiêu chuẩn của Mỹ và Anh là "hợp lý và khả thi" và "thực tế và cân bằng".
Thay Thái tử: Saudi Arabia tăng cường quyền lực thống nhất
Việc Quốc vương Salman thay thế thái tử kế vị Mohammed bin Naif bằng người con trai 31 tuổi của ông là Mohammed bin Salman vừa qua (21/6) là để thực thi một chính sách “đồng điệu” với Mỹ ở khu vực, nhưng đồng thời cũng được xem là bước điều chỉnh có chủ ý của lãnh đạo Saudi Arabia nhằm vào Qatar. Saudi Arabia lập tân Thái tử 31 tuổi khiến kẻ khóc người cười
Nhiều nhà phân tích ở khu vực cho rằng, cựu Thái tử Mohammed bin Nayef từng rất được lòng các chính quyền Mỹ tiền nhiệm, đặc biệt dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đã có những thay đổi trong chính sách của Mỹ với Saudi Arabia và khu vực, khiến vai trò của cựu Thái tử Mohammed bin Nayef trở nên không còn phù hợp.
Trong khi đó, việc chọn Mohammed bin Salman là thái tử kế vị, càng tạo nên một quyền lực thống nhất, tập trung hơn trong tay Quốc vương và chính quyền hoàng tộc của ông, từ đó thúc đẩy một lập trường chung với Mỹ trong giải quyết hàng loạt vấn đề chiến lược quan trọng, trong đó bao gồmcả việc tạoáp lực buộc Qatar phải quay lại quỹ đạo chung của các nước vùng Vịnh.
Những giải pháp có thể dung hòa các mâu thuẫn
Nếu các điều kiện của Qatar được bốn nước Arab vùng Vịnh chấp nhận và ngược lại, nếu các điểm yêu sách không gây khó đối với Qatar, thì một cuộc đàm phán trực tiếp, thẳng thắn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng sẽ sớm đi đến hồi kết.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, Qatar sẽ khó lòng chấp nhận bước vào bàn đàm phán, trừ phi các quốc gia vùng Vịnh Arab từ bỏ hoàn toàn việc cô lập, cấm vận đối với Doha. Trong khi đó, các nước này sẽ không dễ dàng nhượng bộ, chấp nhận những đòi hỏi từ Qatar, bởi đến lúc này họ không còn lo ngại bị “đe dọa, tổn hại” trước những tuyên bố của Doha trong việc ủng hộ Iran, hay lời đề nghị mở rộng hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng vùng Vịnh: Các nước Arap tiếp tục ra tối hậu thư với Qatar
Có thể nói, lợi thế về tài chính, ngoại giao và truyền thông đã và đang giúp Qatar trụ vững và phát đi những thông điệp cứng rắn trước các lệnh trừng phạt. Tuy vậy, càng kéo dài căng thẳng sẽ càng nảy sinh nhiều bất lợi, phức tạp.
Qatar thấy điều đó, và nhận ra rằng, đến một lúc nào đó, họ chỉ được phép lựa chọn một trong hai hướng đi, đó là chọn theo các nước vùng Vịnh và Arab anh em, hoặc là tiếp tục theo đuổi các chính sách trái ngược, ủng hộ Iran, cổ súy cho các hoạt động cải cách dân chủ ở khu vực.
Theo các nhà phân tích khu vựcthì khả năng xảy một cuộc chiến là khó. Bởi các bên liên quan đều bất lợi. Đó là chưa kể Qatar đang là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt căn cứ quân sự ở đây. Thực tế đối thoại vẫn được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay.
Do vậy, nếu sau 10 ngày Qatar từ chối yêu sách 13 điểm, rất có thể một giai đoạn đàm phán mới sẽ được đặt ra, trong đó một bản yêu sách mới sẽ được xem xét và gửi đến Qatar. Bên cạnh đó, cùng thời điểm này, nhiều khả năng các nước vùng Vịnh Arab sẽ tiếp tục gia tăng áp lực về kinh tế đối với Qatar, bao gồm việc hạn chế tiếp cận các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, cho đến khi nào Doha "thay đổi hành vi" của mình, phù hợp với tầm nhìn khu vực của Saudi Arabia.
Được coi là nước có ảnh hưởng, tiếng nói có thể làm thay đổi tình hình ở vùng Vịnh, Mỹ chưa có nhiều động thái và tiếp tục kêu gọi đoàn kết giữa các quốc gia vùng Vịnh, nhấn mạnh muốn có một danh sách rõ ràng về yêu cầu và "hợp lý và khả thi" đối với Qatar. Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng vùng Vịnh cần được giải quyết trên hết là vấn đề nội bộ. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc bày tỏ hy vọng rằng các nước có liên quan giải quyết "thông qua đối thoại"./. Bất chấp căng thẳng, Iran và Qatar ủng hộ Saudi Arabia sau vụ đánh bom