Kinh tế Pháp có rơi vào vòng suy thoái?
(VOV) - Số liệu thống kê của INSEE dự báo kinhh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở mức 0% năm 2013.
Ngày 4/10, Cơ quan thống kê của Pháp (INSEE) đã công bố số liệu đánh giá tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm 2012 và dự báo kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở mức 0% trong năm 2013. Đây là tín hiệu không tốt đối với cả nền kinh tế Pháp cũng như đối với Chính phủ của Tổng thống François Hollande và Thủ tướng Jean Marc Ayrault. Tuy nhiên, liệu kinh tế Pháp có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái?
Bộ trưởng Kinh tế, tài chính Pháp công bố chính sách tài chính mới |
Theo thông báo của Cơ quan thống kê của Pháp, trong quý 3 và quý 4 năm nay, tăng trưởng của Pháp không thay đổi, vẫn đứng yên ở mức 0%. Và như vậy, kinh tế Pháp đã tăng trưởng ở mức dưới 1% quý thứ năm liên tiếp. Cơ quan này cũng đã giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 của Pháp, từ 0,4% xuống còn 0,2%. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 được dự báo sẽ ở mức 10,6%.
Theo các chuyên gia, tuy không bị đánh giá là “suy thoái” như ở nhiều nước châu Âu khác, nhưng triển vọng của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sẽ vẫn rất “u ám” trong năm tới khi chưa thể tạo được đà phát triển cho năm 2013. Và để kinh tế Pháp năm 2013 sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% như mong muốn của Chính phủ Pháp, mỗi quý của năm tới, kinh tế Pháp phải đạt mức tăng trưởng tối thiểu là 0,3%.
Xuất khẩu sụt giảm mạnh là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Pháp do những tác động của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung châu Âu Euro. Thêm vào đó, nếu như nợ chính phủ đang là mối nhức nhối của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy… thì tại Pháp nó cũng đang đánh gục các doanh nghiệp và niềm tin tiêu dùng của người dân Pháp.
Hiện tại, nợ công Pháp chiếm hơn 91% GDP của nước này. Hầu hết các khoản nợ này được sử dụng để chi trả cho các dịch vụ công cộng và đội quân phục vụ trong các dịch vụ này tại Pháp nên rất khó có thể giảm bớt, nếu không muốn làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và những phức tạp xã hội nảy sinh từ việc này.
Bên cạnh đó, các quy định cứng nhắc trên thị trường nhân lực và các khoản thuế từ quỹ lương đang hủy hoại năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Pháp, khiến chi phí nhân công cao và ngăn cản tính sáng tạo trong công việc của người dân Pháp.
Và hậu quả là uy tín của Tổng thống François Hollande và chính phủ của ông đang suy giảm rõ rệt. Ông Emmanuel Cugny, một chuyên gia phân tích kinh tế truyền thông, cho biết: “Nhiều nhà kinh tế trước đây ủng hộ ông François Hollande trong chiến dịch tranh cử thì nay, khi có những dự báo về nguy cơ suy thoái của kinh tế Pháp, họ đã quay lại chỉ trích đương kim Tổng thống và chính sách kinh tế của chính phủ. Những người này cho rằng, việc trở lại chính sách tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt ngân sách là một sai lầm lớn. Tăng 1% GDP thuế sẽ đồng nghĩa với việc giảm 1% tăng trưởng kinh tế. Và hậu quả tồi tệ nhất là các doanh nghiệp sẽ dừng đầu tư sản xuất do chính sách thuế quá nặng”.
Ý thức được nguy cơ tiếp tục tụt hạng về chỉ số xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế Pháp và sụt giảm uy tín của Chính phủ, Tổng thống Hollande, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault và Bộ trưởng tài chính Pierre Moscovici đã cũng hợp tác nhằm đưa nền kinh tế Pháp vượt qua khủng hoảng. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc cuối tháng 9 vừa qua, chính phủ Pháp đã công bố chính sách tài khóa năm 2013 với ngân sách thắt chặt và cam kết giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% vào năm 2017.
Biểu đồ tăng trưởng kinh tế Pháp (Nguồn: IDE) |
Tuy nhiên, điều đáng nói là thay vì thi hành các chính sách thắt chặt chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ Pháp lại tìm kiếm gói tiết kiệm ngân sách từ các doanh nghiệp và tầng lớp giàu có của Pháp. Theo đó, 2/3 gói tiệt kiệm ngân sách trị giá 39 tỷ USD sẽ được thu từ việc tăng thuế; trong đó, bao gồm cả việc tăng thuế thu nhập cá nhân lên mức.
Cần nhớ rằng Pháp đang là quốc gia đánh thuế mạnh tay nhất thế giới. Do đó, với chính sách tài chính mới này, các doanh nghiệp Pháp - chủ thể chính của nền kinh tế Pháp cũng khó có thể tồn tại qua cơn khủng hoảng; nhất là khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân công, như vụ việc ở hãng PSA Peugeot-Citoyen vừa qua.
Ông Anthony Rivau, một chủ doanh nghiệp Pháp, cho biết: “Nếu thực sự chúng ta lại quay về với chính sách tài chính như đã được đưa ra dưới thời Tổng thống Sarkozy, thì chắc chắn đó sẽ là thảm họa, khiến các chủ doanh nghiệp lo ngại. Chính sách này chắc chắn sẽ không khuyến khích các chủ doanh nghiệp”.
Và nếu Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, bị rơi trở lại vòng suy thoái, đây sẽ thực sự trở thành nguy cơ mới đối với nền kinh tế châu Âu, đe dọa trực tiếp tới tồn tại của đồng Euro, nhất là khi các bất đồng với nước láng giềng Đức chưa được giải quyết triệt để./.