Lần đầu tiên Mỹ bị liệt vào danh sách các nước nguy hiểm với nhà báo
VOV.VN - Vụ nổ súng ở tòa soạn của Capital Gazette ở Maryland hồi tháng 6 khiến Mỹ lần đầu bị đưa vào danh sách những nước nguy hiểm nhất đối với các nhà báo.
Theo báo cáo hàng năm của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB), ít nhất 63 nhà báo chuyên nghiệp bị sát hại trong lúc đang tác nghiệp trong năm 2018, tăng 15% so với năm 2017. Nếu tính cả các nhân viên truyền thông và các nhà báo công dân, thì con số sẽ lên tới 80 người.
Pat Furgurson, nhà báo của Capital Gazette, đưa tin bên ngoài hiện trường vụ nổ súng tại trụ sở của chính tờ báo này ở Annapolis, Maryland ngày 28/6/2018. Ảnh: EPA
Top 5 nước nguy hiểm “chết người” nhất đối với các nhà báo có Ấn Độ, Mexico và lần đầu tiên có cả Mỹ. Đây là những nước thậm chí còn không có chiến tranh hay xung đột.
Vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi cho thấy sự căm ghét đối với truyền thông đang ngày càng gia tăng. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký RWB Christophe Deloire nói rằng, sự thù ghét đối với các nhà báo do những chính trị gia, các lãnh đạo tôn giáo và các doanh nhân vô đạo đức kích động sẽ mang lại hậu quả thảm khốc. Điều này cũng phần nào được phản ánh trong sự gia tăng bạo lực đối với các nhà báo.
Jamal Khashoggi, nhà báo Saudi Arabia thường xuyên có những bài phê bình về chính sách của Saudi Arabia trên Washington Post sau khi tới Mỹ hồi năm ngoái, đã bị sát hại trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10. Vụ sát hại nhà báo này đã dấy lên sự giận dữ trên toàn cầu. Giới chức Saudi đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman ra lệnh thực hiện vụ sát hại.
Trong khi đó, vụ bắn chết 5 nhân viên của tờ báo Capital Gazette ở Annapolis, Maryland hồi tháng 6/2018 đã khiến nước Mỹ lần đầu tiên bị đưa vào danh sách những nước nguy hiểm nhất đối với các nhà báo.
Ngoài ra, theo Tổ chức nhà báo không biên giới, có 348 nhà báo bị bắt giữ trên toàn thế giới, cao hơn so với con số 326 của năm 2016./.
Báo Mỹ: CIA kết luận Thái tử Saudi lệnh sát hại nhà báo Khashoggi