Lãnh đạo Mỹ và Italy “tâm đầu ý hợp” trong vấn đề nhập cư và Nga
VOV.VN - Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Italy đã dành một khoảng thời gian để nói về mối quan hệ thân thiết và sự tương đồng về lập trường của nhau.
Trong cuộc gặp lần đầu tiên tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 30/7 có các cuộc thảo luận, mà theo giới chuyên gia là “khá tâm đầu ý hợp” từ vấn đề nhập cư đến thương mại hay quan hệ với Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte “khá tâm đầu ý hợp” từ vấn đề nhập cư đến thương mại hay quan hệ với Nga. Ảnh: Global news
Mở đầu cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Italy đều dành một khoảng thời gian để nói về mối quan hệ thân thiết và sự tương đồng về lập trường của nhau. Nếu như Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng từ “ngoại đạo” để nói về điểm chung chính trị giữa hai nhà lãnh đạo, thì Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh tới “sự thay đổi” mà người dân hai nước mong đợi ở hai nhà lãnh đạo của mình.
Theo Thủ tướng Giuseppe Conte, cả chính phủ của ông và chính quyền Tổng thống Donald Trump đều đại diện cho sự thay đổi, được người dân lựa chọn để thay đổi hiện trạng và cải thiện điều kiện sống.
Truyền thông Italy nhận định, chuyến thăm Mỹ của tân Thủ tướng Italy, một giáo sư về luật sẽ giúp ông có một vị thế quốc tế lớn hơn. Và đúng như giới chuyên gia nhận định, cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo chủ yếu xoay quanh chính sách nhập cư, vấn đề cho thấy rõ nét nhất sự tương đồng về lập trường của Tổng thống Donald Trump và Thủ Giuseppe Conte. Tổng thống Donald Trump đánh giá cao chính sách nhập cư của Chính phủ Italy, khuyến khích các nước châu Âu hành động theo hướng này.
Ông Trump cũng ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Giuseppe Conte nhằm cải cách luật nhập cư của Liên minh châu Âu (EU) và kế hoạch lập một trung tâm giám sát chung ở Địa Trung Hải: “Chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn sau các cuộc họp của G7 và qua các cuộc điện đàm. Tôi đồng tình rất nhiều với những gì mà Chính phủ Italy đang làm hiện nay trong vấn đề nhập cư, cả đối với nhập cư bất hợp pháp hay hợp pháp.
Italy đang có lập trường vững chắc về biên giới và theo ý kiến của tôi, thì các bạn dã làm đúng đắn. Các quốc gia khác ở châu Âu cũng nên làm như vậy, bởi trên thực tế một số đã được tiến hành trước dây và đang được làm tốt hơn rất nhiều”.
Chính phủ Italy đang thúc đẩy việc cải cách Quy định Dublin, mà nước này cho bất công khi yêu cầu trách nhiệm tiếp nhận người nhập cư sẽ thuộc về nước đầu tiên mà người di cư đặt chân đến và hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu khác chia sẻ gánh nặng. Mới đây nhất, nước này đã đóng cửa các cảng biển đối với người nhập cư và buộc nhiều tàu cứu trợ người nhập cư trên biển phải quay đầu.
Theo Thủ tướng Giuseppe Conte, nhờ vào những bước đi mạnh mẽ của chính phủ Italy, phần còn lại của châu Âu từ nay sẽ phải có trách nhiệm hơn, không để mọi gánh nặng trong vấn đề nhập cư lên vai những nước tuyến đầu.
Một điểm chung khác đáng chú ý giữa hai nhà lãnh đạo đó là quyết tâm cải thiện quan hệ với Nga. Cả Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đều ủng hộ đối thoại với Nga, dù cho rằng, các lệnh trừng phạt vẫn nên được tiếp tục.
Thủ tướng Giuseppe Conte nói: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga và tin rằng, Nga đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới. Vì thế đúng như quan điểm của Tổng thống Donald Trump cần phải duy trì đối thoại với Nga nếu muốn giải quyết các vấn đề. Chúng ta không thể lựa chọn các đối tác, mà cần biết chấp nhận lẫn nhau và cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán”.
Về thương mại, hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ sự hoài nghi đối với tự do thương mại. Trong khi Tổng thống Donald Trump quyết định từ bỏ nhiều thỏa thuận quốc tế như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico hay Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì Chính phủ của Thủ tướng Conte cũng từ chối phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Canada. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho rằng, vẫn còn một vài vấn đề cần phải làm nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Italy.
Theo ông Nick Ottens, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương. Tổng thống Mỹ có thể sẽ không thể tìm thấy ở người đứng đầu Chính phủ Italy một đồng minh như mong đợi, nhất là về thương mại./.
Ông Trump có thể hợp với Thủ tướng Italy khi lạnh nhạt với cả châu Âu?