Ông Trump có thể hợp với Thủ tướng Italy khi lạnh nhạt với cả châu Âu?
VOV.VN - Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm nay (30/7) bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng trước.
Chuyến thăm được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm bởi hai nhà lãnh đạo gần như tương đồng về lập trường trong các vấn đề nhập cư hay thương mại và hơn hết đều đang cho thấy mong muốn về một mối quan hệ tốt hơn với Nga.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G7 ở Canada tháng 6/2018. (Ảnh: Reuters)
Trong thông báo về chuyến thăm hồi tháng trước, Nhà trắng nhấn mạnh, Italy là một đồng minh quan trọng, một đối tác hàng đầu của Mỹ tại Afghanistan và Iraq, đóng góp cho sự ổn định của khu vực Địa Trung Hải.
Tổng thống Donald Trump từng ca ngợi Thủ tướng Giuseppe Conte là “một nhà lãnh đạo lớn” sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu G7 diễn ra mới đây tại Canada, với hình ảnh “tay nắm chặt tay” trong bức ảnh chung của các nhà lãnh đạo sau hội nghị.
Cần phải nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte có lập trường gần như tương đồng trong các vấn đề nhập cư và thương mại.
Với “chính sách không khoan nhượng” chống nhập cư bất hợp pháp gây tranh cãi khi khiến hàng trăm trẻ em bị chia tách với gia đình do vượt biên giới trái phép từ Mexico sang Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đánh giá cao lập trường của Người đứng đầu chính phủ Italy trong chính sách nhập cư, mà theo ông là “tương tự như cách nước Mỹ đang làm hiện nay dù theo cách này hay cách khác”.
Ngoài vấn đề nhập cư, đáng chú ý là cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đều ủng hộ một mối quan hệ tốt hơn với Nga.
Từng mâu thuẫn với các đồng minh về thương mại, môi trường và Iran, chính quyền Mỹ tiếp tục mở ra một mặt trận khác tại Canada khi yêu cầu đưa Nga trở lại các cuộc họp của G7 hay chấm dứt việc cô lập Nga liên quan việc sáp nhập Crimea năm 2014. Theo Tổng thống Donald Trump, điều này sẽ là tốt không chỉ cho Nga, mà còn cho Mỹ và tất cả các nước G7.
“Về mặt chính trị có thể là không đúng, nhưng chúng ta cần phải duy trì sự vận hành của thế giới. Nga đã bị đứng ngoài cuộc và G7 cần phải để Nga quay trở lại. Chúng ta cần Nga trên bàn đàm phán” - Tổng thống Donald Trump nói.
Tại cuộc họp của G7, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cũng đã tự đặt mình ra ngoài những người đồng cấp châu Âu khi tuyên bố đồng ý với cách tiếp cận của người đứng đầu nước Mỹ. Tổng thống Mỹ thăm Anh: “Thảm họa” đối với Thủ tướng Theresa May?
Về thương mại, 2 nhà lãnh đạo đều có chung thái độ hoài nghi đối với tự do thương mại.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã làm đổ vỡ hoặc lung lay nhiều hiệp ước quốc tế như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte mới đây cũng từ chối phê chuẩn hiệp định thương mại tự do CETA giữa Liên minh châu Âu và Canada.
Đưa tin về chuyến thăm Mỹ đầu tiên này, báo chí Italy đã đánh giá đây sẽ là dịp để làm dày hơn hồ sơ của vị tân Thủ tướng, vốn vẫn còn khá mờ nhạt trước các phó Thủ tướng và cũng là những nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của các đảng trong liên minh. Đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Lao động và Phát triển Kinh tế Luigi Di Maio, lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nick Ottens thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Tổng thống Donald Trump có thể “không tìm thấy ở Thủ tướng Giuseppe Conte một đồng minh đúng như những gì ông ấy mong đợi”. Trên thực tế, giữa hai nước vẫn còn nhiều khoảng cách chưa thể lấp đầy.
Cụ thể về quốc phòng, Italy cho biết họ không có cơ hội đạt được mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, phớt lờ đề nghị của Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên NATO lên 4% GDP tại cuộc gặp mới đây. Tiếp đến, hồi đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Elisabetta Trenta đã bất ngờ thông báo ngừng kế hoạch mua máy bay chiến đầu F-35, mà Mỹ là nhà thầu chính.
Cùng với đó là cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Iran khi mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang làm tốn hại đến quan hệ thương giữa Italy và nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo các nhà phân tích, câu hỏi, liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có tìm được một đồng minh châu Âu có chung tư tưởng như mong đợi hay không sẽ được trả lời sau chuyến thăm Mỹ của người đứng đầu chính phủ Italy./. Bức ảnh tiết lộ những bất đồng đang “phủ bóng” lên Hội nghị NATO
Khi Trump gặp Putin: Cơn “lốc xoáy” đảo lộn thế giới