Lãnh đạo Nga-Mỹ điện đàm tìm cách giải quyết vấn đề Syria
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/5 đã điện đàm để thảo luận về cuộc nội chiến Syria.
Đây là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ kể từ khi Mỹ tiến hành không kích tên lửa vào Syria, diễn ra ngay trước thềm cuộc đàm phán về hòa bình Syria diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan trong hai ngày 3 và 4/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Putin. Ảnh: Reuters
Tuyên bố của Nhà Trắng và Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc đối thoại tích cực đề cập nhiều vấn đề trong đó có tình hình trên bán đảo Triều Tiên và đối phó với IS trên khắp Trung Đông.
Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường các cuộc đối thoại để tìm biện pháp thắt chặt lệnh ngừng bắn, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện một giải pháp thực sự tại Syria. Hai bên cũng thảo luận về cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg vào mùng 7-8/7 tới.
Đánh giá về kết quả cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định: “Tôi nghĩ đây là một cuộc điện đàm tích cực giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ. Hai bên đã có nhiều trao đổi chi tiết về nhiều vấn đề và các cuộc thảo luận này sẽ là nền tảng cho những bước đi tiếp theo giữa hai bên trong thời gian tới”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump Trump trong chiến dịch tranh cử năm ngoái bày tỏ mong muốn thiết lập các khu vực an toàn cho người tị nạn Syria, do các nước Vùng Vịnh chi trả.
Ông Trump cũng mong muốn liên minh với Nga trong cuộc chiến chống IS- một mục tiêu lớn mà chính quyền Mỹ đặt ra kể từ khi ông Trump nhậm chức vào 20/1 vừa qua.
Tuy nhiên, mối quan hệ song phương căng thẳng sau khi chính quyền của Tổng thống Trump ra lệnh tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự tại Syria để trả đũa vụ tấn công vũ khí hóa học mà Mỹ cho rằng do Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện.
Vì vậy, cuộc điện đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ được cho là sẽ giúp giảm căng thẳng giữa hai bên thời gian qua, tạo tiền đề tích cực cho vòng đàm phán mới về cuộc khủng hoảng Syria diễn ra ngày 3/5 tại thủ đô Astana (Kazakhstan).
Hiện cũng có nhiều hy vọng cho vòng đàm phán lần này. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura thông báo lần đầu tiên tham dự cuộc đối thoại. Phát biểu khi vừa đặt chân đến thủ đô Astana, ông Staffan de Mistura cho biết: “Chúng tôi sẽ có cuộc gặp các bên, trong đó có cả các đoàn đại biểu và quan sát viên để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc đối thoại vào ngày mai”.
Quyết định cử đại diện của Mỹ tham gia đối thoại mặc dù với tư cách là một quan sát viên cũng cho thấy Mỹ đang nhìn nhận các cuộc đối thoại tại Astana một cách nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, Nga và Mỹ vẫn chưa thống nhất về lợi ích trong việc thiết lập khu vực vùng đệm để bảo vệ dân thường bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến Syria.
Tại vòng đàm phán lần này, đặc phái viên Nga về Syria có kế hoạch đề xuất Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động như một lực lượng đệm giữa chính phủ và lực lượng đối lập tại một số khu vực ở Syria. Chính phủ Syria hiện cũng đang rất thận trọng đối với kế hoạch này, coi đây là bước đi đầu tiên hướng đến việc đất nước bị chia rẽ.
Mặc dù vậy, những tín hiệu lạc quan trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đang mở đường cho hướng hợp tác mới giữa hai bên sau những căng thẳng gần đây. Theo chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế Mỹ Vladimir Frolov, mối quan hệ Nga và Mỹ sẽ tiếp tục tồn tại với sự thận trọng, hy vọng và cả thất vọng.
Chính quyền Mỹ sẽ có các bước đi đơn phương khó dự đoán, nhưng hai bên sẽ không từ bỏ những nỗ lực tìm kiếm các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, bất chấp việc Tổng thống Trump đã tuyên bố mối quan hệ hiện đang ở mức thấp nhất./.
Chùm ảnh: Cận cảnh hoạt động của quân Mỹ tại “điểm nóng” Syria