Lập liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)
VOV.VN - Dù các nước đã đạt được nhiều đồng thuận trong việc chống IS nhưng liên minh vẫn cần có chiến lược rõ ràng chống lại tổ chức này.
Hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh cho Iraq diễn ra ngày 15/9 tại thủ đô Paris, Pháp đã đạt được nhiều đồng thuận, trong đó có việc lập một liên minh quốc tế tiến hành can thiệp không quân chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo". Tuy nhiên, chưa thấy một chiến lược rõ ràng chống lại tổ chức này.
Thông cáo kết thúc hội nghị gồm 10 điểm
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Pháp đã gửi tới các cơ quan báo chí Thông cáo gồm 10 điểm. Trước hết, các đại biểu của khoảng 30 quốc gia châu Âu và Arab cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc đã cùng khẳng định lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo không chỉ là mối đe dọa đối với Iraq mà với toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Các đại biểu đều nhấn mạnh đến yêu cầu cấp bách phải loại bỏ lực lượng Nhà nước Hồi giáo, cam kết hỗ trợ chính phủ mới của Iraq trong cuộc chiến chống lại tổ chức này, bằng mọi biện pháp có thể, trong đó có cả sự hỗ trợ về quân sự phù hợp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng công nhận vai trò của Liên Hợp Quốc tại Iraq, đặc biệt trong việc điều phối sự hỗ trợ quốc tế với chính quyền Iraq. Liên đoàn Hồi giáo và Liên minh châu Âu được hội nghị coi là những đối tác chính dài hạn của Iraq.
Đại biểu các nước cũng nhất trí tiếp tục tăng viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho chính quyền Iraq và các chính quyền địa phương. Các nước cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Iraq trong công cuộc tái thiết, đặc biệt về cung cấp kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính. Trong đó, có việc lập Quỹ toàn cầu đặc biệt để giúp tái thiết những vùng bị tàn phá bởi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo.
Kết thúc hội nghị, đáng chú ý là tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Iraq Faoud Massoum, hai vị nguyên thủ đồng chủ trì hội nghị.
Tổng thống Iraq tuyên bố cần một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài vào Iraq, nhưng là can thiệp không quân chứ không cần đưa binh lính tới trận địa.
Còn Pháp thì ngay lập tức tuyên bố “Không có chuyện đưa quân tới Iraq”. Trên thực tế, máy bay chiến đấu Rafal của Pháp đã có mặt cùng lúc vào sáng hôm qua và quần đảo trên bầu trời Iraq, cho thấy một sự can thiệp quân sự có sự tham gia của Pháp sẽ sớm diễn ra.
Vẫn mơ hồ về chiến lược cụ thể đối phó với IS
Qua kết quả hội nghị, có thể thấy rằng Pháp và Mỹ đã thành công trong việc tập hợp một lực lượng quốc tế để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Dư luận châu Âu và thế giới đều tin rằng sẽ sớm có những hành động quân sự cụ thể được triển khai ngay sau hội nghị này.
Tuy nhiên, điều người ta mong đợi từ trước khi hội nghị diễn ra là một chiến lược rõ ràng đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo thì chưa được nêu sau 1 ngày hội nghị. Thêm nữa câu hỏi liên minh quốc tế có hành động hay không tại Syria cũng bị treo lửng lơ không lời đáp.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đặt câu hỏi về vai trò của Iran, nước láng giềng quan trọng có nhiều hỗ trợ cho Iraq, nhưng không được mời tham dự hội nghị, do bất đồng với Mỹ và phương Tây trong vấn đề quan hệ với Syria.
Vấn đề chính được chờ đợi trước hội nghị là xác lập một chiến lược cụ thể đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ra sao, cho đến nay chưa được làm rõ. Rồi câu hỏi giải quyết câu chuyện Syria như thế nào?
Mỹ thì tuyên bố không hợp tác với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, người không được mời tham dự hội nghị quốc tế lần này. Tuy nhiên, Mỹ cũng nhắm tới việc tiến hành tấn công vào khu vực lãnh thổ Syria có lực lượng Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng.
Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, khả năng tấn công vào lãnh thổ Syria vẫn là một giả thuyết và chiến lược chính thức của Pháp là muốn duy trì một lực lượng đối lập “ôn hòa” vừa chống lực lượng khủng bố thánh chiến, vừa chống chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad.
Pháp lo ngại một "hiện tượng" ủng hộ thánh chiến trong thanh niên
Trên các phương tiện truyền thông, câu hỏi “Có bao nhiêu phần trăm người Pháp, đặc biệt là thanh niên Pháp ủng hộ tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo” hay “Vì sao thanh thiếu niên Pháp đi theo thánh chiến?” đang được đặt ra.
Có không ít nhận định cho rằng những thành công mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang lôi cuốn những thanh niên Pháp vào phong trào thánh chiến. Và rõ ràng, trên mặt trận truyền thông, tổ chức khủng bố này đã giành được một số thắng lợi.
Khác với các thế hệ thánh chiến trước kia nhằm vào những vụ đánh bom liều chết tại phương Tây, các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tập trung vào việc củng cố sự hiện diện tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Theo báo chí Pháp, hiện có khoảng 900 người mang quốc tịch Pháp đang có mặt trong mạng lưới thánh chiến và hoạt động của các phần tử thánh chiến người Pháp từ Syria sang Iraq đang được theo dõi nghiêm ngặt.
Về các biện pháp thì rõ nét nhất vẫn là kiểm soát luồng người Pháp đi sang Syria. Hồi cuối tháng 8, Pháp mới bắt giữ hai thiếu nữ 15 và 17 tuổi khi họ đang lên kế hoạch sang Syria.
Hai thiếu nữ này quen nhau qua mạng xã hội và có chung mong muốn tiến hành thánh chiến. Trước đó, hồi tháng 6, một cặp vợ chồng phát hoảng khi phát hiện bức thư của cô con gái 14 tuổi thông báo sẽ sang Syria để được “lại gần với Chúa”.
Những sự việc tương tự được phát hiện trong khoảng 2 năm qua khiến người Pháp lo lắng về một «hiện tượng» ủng hộ thánh chiến gia tăng trong giới trẻ.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo dùng các mạng xã hội làm phương tiện chính để thu hút và tuyển các thành viên mới nên việc kiểm soát mạng Internet dù không được công khai, nhưng chắc chắn là điều các nước phương Tây, trong đó có Pháp, phải tiến hành trong bối cảnh hiện nay./.