Lễ ra mắt sách “Việt Nam-đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu” tại Nga
VOV.VN - Đây là lần đầu tiên một cuốn cẩm nang tổng hợp các vấn đề kinh tế đối ngoại của Việt Nam được xuất bản tại Nga.
Ngày 16/12/2022 tại trụ sở “Ngôi nhà Nga về hợp tác khoa học kỹ thuật quốc tế”, thuộc Bộ khoa học và Đại học Nga, Trung tâm nghiên cứu Việt nam và ASEAN (Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại-Viện Hàn lâm khoa học Nga) phối hợp với Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt‘Truyền thống và hữu nghị”và Viện các nước Á-Phi (thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Moscow mang tên M.V.Lomonosov đã tổ chức lễ ra mắt sách “Việt Nam-đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu”.
“Việt Nam-đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu” là công trình của Tập thể các nhà khoa học Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, các nghiên cứu sinh và sinh viên thuộc Viện Á-Phi -Trường đại học Tổng hợp mang tên M.V.Lomonosov, dưới sự chủ biên của GS.TS kinh tế V.Mazyrinm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN.
Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” là đơn vị tài trợ cho ấn phẩm khoa học này. Cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản, cập nhật về những thành tựu đạt được, phương hướng và hình thức hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, cũng như quá trình hội nhập của đất nước vào nền kinh tế thế giới.
Tham dự Lễ ra mắt sách có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam, Cơ quan thương vụ Việt Nam tại LB Nga, Vụ phân tích chuyên gia thuộc Văn phòng Tổng thống Nga, Bộ khoa học và Đại học Nga, Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại, Quỹ “Truyền thống và hữu nghị”, các nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học của Nga, cùng đông đảo đại diện của cộng đồng khoa học và doanh nghiệp hai nước tại Nga.
Phát biểu tại buổi lễ, các nhà quản lý, chuyên gia, giới doanh nghiệp đều đánh giá cao về ấn phẩm khoa học này. Ông M.Golikov, Vụ trưởng Vụ phân tích chuyên gia -Văn phòng Tổng thống Nga cho rằng, Việt Nam là nước phát triển hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và là một trong những hướng ưu tiên của Nga, nhưng thông tin về Việt Nam cho các doanh nghiệp còn thiếu. Cuốn cẩm nang này là một công trình khoa học lớn và nghiêm túc, đưa ra những phân tích thị trường Việt Nam tổng quan và sâu sắc, rất có ích cho giới doanh nghiệp Nga.
GS.TS Kiril Babaev, quyền Viện trưởng Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại có cùng quan điểm này. Ông nhấn mạnh rằng, Nga đang chuyển hướng sang phía Đông. Do đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga sẽ phát triển hơn nữa, hợp tác kinh tế tiếp tục vững chắc. Bởi vậy, cuốn sách rất hữu ích cho các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền Nga.
“Trong cuốn cẩm nang này cung cấp nền tảng cho hợp tác giữa các công ty của chúng ta, giữa hai đất nước, giữa các cơ quan chính quyền Nga và Việt Nam. Tôi tin rằng, cuốn sách sẽ được ưu chuộng đối với các doanh nhân, những người muốn bắt đầu công việc ở Việt Nam, cũng như các đại diện cơ quan chính quyền, quan chức Nga của chúng tôi, những người đang thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước chúng ta” - GS.TS Kiril Babaev nói.
Tiến sĩ Irina Korgun, Giám đốc Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm học Nga rất ấn tượng với cuốn sách, vì trong đó phân tích sâu về kinh tế Việt nam không chỉ trên bình diện kinh tế khu vực mà, cả kinh tế ngành. Vì thế, nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ một cuốn cẩm nang tra cứu thông thường và là một công trình có giá trị cả về khoa học lẫn thực tiễn, không chỉ cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp Nga, mà còn các nước khác.
Trong phần thứ nhất của cuốn sách “Việt Nam-đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu”, với những đánh giá tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, các tác giả đã nêu ra những danh mục, đặc điểm xuất nhập khẩu, nguồn và khối lượng vốn thu hút được.
Phần thứ hai cung cấp một cái nhìn tổng quan về các lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế và xã hội, liên quan đến quan hệ đối ngoại hoặc có triển vọng trong vấn đề này.
Phần thứ ba đề cập quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và EAEU do Nga dẫn đầu. Phần thứ tư và thứ năm chứa đựng thông tin cần thiết để đăng ký và điều hành một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả môi trường hành chính và pháp lý.
TS. Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” cho rằng, trong bối cảnh Nga thực hiện chính sách xoay trục sang phía Đông và Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển năng động, cuốn sách rất cần thiết cho các doanh nghiệp của Nga muốn đầu tư vào Việt Nam. Nó cũng minh chứng về tiềm năng của các nhà khoa học, những nhà Việt Nam học trẻ ở Nga là rất lớn và cần được tiếp tục phát triển. Đó cũng là một trong những mục đích mà Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” luôn hướng tới nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác khoa học-kỹ thuật nói riêng và đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt Nam nói chung./.