Lebanon tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lần đầu tiên sau vụ nổ cảng Beirut
VOV.VN - Ngày 15/5, các cử tri tại Lebanon sẽ tham gia cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên được tổ chức kể từ sau vụ nổ cảng Beirut và trong bối cảnh nền kinh tế nước nay đang sụp đổ.
Sau nhiều tháng không chắc chắn về khả năng tổ chức bầu cử, sáng 15/5, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ 7h sáng (giờ địa phương) tại 15 khu vực bầu cử của Lebanon. Công dân trên 21 tuổi sẽ bỏ phiếu để chọn ra 128 đại biểu trong quốc hội Lebanon mới.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức kể từ sau vụ nổ cảng Beirut năm 2020, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế. Cuộc bầu cử được đánh giá là phép thử về khả năng Hezbollah do Iran hậu thuẫn và các đồng minh có thể duy trì thế đa số nghị viện hay không, trong bối cảnh nghèo đói gia tăng, kéo theo sự giận dữ của người dân đối với các đảng cầm quyền.
Cuộc bầu cử năm 2018, đã chứng kiến chiến thắng của Hezbollah và các đồng minh, bao gồm cả Phong trào Yêu nước Tự do, do Tổng thống Michel Aoun lãnh đạo, với 71 ghế trong tổng số 128 ghế tại Quốc hội. Những kết quả này đã đẩy Lebanon đi xa hơn vào quỹ đạo và ảnh hưởng chính trị của Iran.
Lực lượng Hezbollah dự đoán thành phần của quốc hội sẽ có ít thay đổi sau cuộc bầu cử lần này, tuy nhiên các đối thủ của Hezbollah, bao gồm đảng Lực lượng Cơ đốc giáo Lebanon tuyên bố sẽ giành được thêm ghế từ Phong trào Yêu nước Tự do. Quốc hội tiếp theo dự kiến sẽ bỏ phiếu về những cải cách lớn do Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu cho phép hỗ trợ tài chính nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng Lebanon. Quốc hội cũng sẽ bầu một Tổng thống mới để thay thế Michel Aoun, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/10.
Trước đó, ngày 14/5, Tổng thống Cộng hòa Lebanon, Michel Aoun, đã kêu gọi người dân tích cực tham gia vào cuộc bầu cử, bày tỏ ý kiến và chọn những người mà họ tin tưởng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Lebanon đang vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà Ngân hàng Thế giới mô tả là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Các nhà phân tích cho rằng sự tức giận của người dân trước tình hình hiện nay có thể giúp một số ứng cử viên có tư tưởng cải cách được bầu vào Quốc hội. Tuy nhiên, bất kể kết quả bầu cử như thế nào, Lebanon có thể sẽ phải đối mặt với một thời kỳ tê liệt chính trị làm kìm hãm sự phục hồi kinh tế của nước này, khi mà các đảng phái bắt đầu các cuộc đàm phán khó khăn về các vị trí trong chính phủ mới, một quá trình có thể mất nhiều tháng./.