Lebanon trước nguy cơ nội chiến
VOV.VN - Vụ đánh bom kép tại Beirut, Lebanon khiến dư luận lo ngại xẽ xảy ra nguy cơ nội chiến tại Lebanon.
Cộng đồng quốc tế ngày 19/11 lên án mạnh mẽ vụ đánh bom kép nhằm vào Đại sứ quán Iran tại thủ đô Beirut của Lebanon, làm gần 200 người thương vong. Dù tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda đã nhận trách nhiệm, song vụ việc một lần nữa khiến người ta lo ngại liệu có phải đất nước Lebanon đang đứng trước bờ vực một cuộc nội chiến hay không?
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki – moon ngày 19/11 lên án mạnh mẽ vụ đánh bom kép vào Đại sứ quán Iran tại thủ đô Beirut, đồng thời kêu gọi Lebanon đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria.
Vụ đánh bom Đại sứ quán Iran tại Beirut (Ảnh: AP) |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 19/11 lên án "loạt đánh bom vô nghĩa và hèn hạ” nhằm vào Đại sứ quán Iran, đồng thời yêu cầu tất cả các bên hỗ trợ Lebanon điều tra vụ việc. Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án mạnh mẽ hành động khủng bố này và kêu gọi trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về việc kích động bạo lực tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Trong khi đó, phát biểu trong khi đang tiến hành chuyến thăm Italy, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif tuyên bố, vụ tấn công vừa qua là một thảm kịch và cảnh báo đối với các nước trong khu vực trước sự gia tăng hoạt động của chủ nghĩa cực đoan.
“Thảm kịch vừa xảy ra là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta và là dấu hiệu của chủ nghĩa cực đoan đang lan tràn tại Trung Đông, đặc biệt là bắt nguồn từ Syria. Chúng ta cần nghiêm túc tìm ra một giải pháp cho vấn đề này, nếu không, nó sẽ nhấn chìm tất cả chúng ta, các nước trong khu vực”, ông Zarif nói.
Rõ ràng, những tuyên bố đó cho thấy lo ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ một cuộc nội chiến tại Lebanon, cũng như đám cháy Syria lan rộng. Điều này không phải là vô cớ khi mà Lebanon đang chìm sâu trong khủng hoảng chính trị do tác động của cuộc xung độ tại quốc gia láng giềng Syria, và hiện nay Lebanon vẫn chưa thể thành lập được chính phủ sau khi Thủ tướng Najib Mikati từ chức đầu năm nay.
Trên thực tế, Syria và Lebanon có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Syria đã từng duy trì quân đội trên đất Lebanon suốt 30 năm để bảo đảm an ninh trước mối đe doạ thường trực từ Israel.
Chính vì thế, dù công khai tuyên bố một chính sách trung lập, không can dự vào bất kỳ bên nào ở Syria, song rõ ràng, Lebanon không thể ngồi yên khi cuộc chiến tại Syria đang càng làm gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite.
Vụ tấn công vừa qua càng làm gia tăng lo ngại những xung đột này có thể dẫn đến nội chiến như trong những thập niên 70-90 thế kỷ 20.
Điều nguy hiểm hơn, vụ tấn công vừa qua làm cho nguy cơ "đám cháy Syria lan rộng" ra toàn khu vực càng trở nên hiện hữu hơn khi gây căng thẳng giữa các quốc gia liên quan. Trong khi Bộ Ngoại giao Iran quy trách nhiệm cho Israel thì Syria cáo buộc các nước vùng Vịnh chống chính quyền Syria.
Trước tình hình đó khó có thể dự báo được cục diện sẽ như thế nào nếu cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn tiếp tục chưa có lời giải./.