Lệnh trừng phạt Triều Tiên bộc lộ rõ chia rẽ giữa Mỹ và Nga-Trung
VOV.VN - Dù cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều bỏ phiếu ủng hộ Hội đồng Bảo an áp lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên nhưng giữa 3 nước vẫn có bất đồng.
Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn
Lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên bao gồm việc cấm nước này nhập khẩu khí đốt. Lệnh trừng phạt này cũng không cho phép Triều Tiên xuất khẩu dệt may cũng như cấm mọi quốc gia cấp mới giấy phép lao động cho các công nhân Triều Tiên.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố “đây là những biện pháp cứng rắn nhất nhằm vào Triều Tiên”. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo, những biện pháp này chỉ có ý nghĩa khi “mọi quốc gia đều tuân thủ triệt để”.
Trong một thông điệp nhắm thẳng đến Triều Tiên, bà Haley nhấn mạnh: “Chúng ta không bao giờ được phép để yên cho những kẻ có ý định xấu xa mặc sức hành động.
Ngày hôm nay, nước Mỹ muốn tuyên bố với thế giới rằng, chúng tôi không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã không thể buộc Triều Tiên đi đúng đường. Chính vì thế, chúng tôi buộc phải tìm cách để Triều Tiên không làm những điều sai trái”.
Bà Haley cũng khẳng định, Mỹ “chẳng vui vẻ gì” khi phải siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên và Mỹ không muốn chiến tranh xảy ra: “Triều Tiên vẫn chưa đi quá giới hạn. Họ vẫn có thể quay đầu lại.
Nếu Triều Tiên chấp thuận dừng chương trình hạt nhân của mình, Triều Tiên sẽ có được một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu họ tiếp tục con đường đầy nguy hiểm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực”.
Theo các chuyên gia, những lời hứa hẹn của bà Haley đối với Triều Tiên không khỏa lấp nổi sự thất vọng thấy rõ của Mỹ khi họ buộc phải nhượng bộ Nga và Trung Quốc để bản dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo được thông qua.
Theo đó, ban đầu Mỹ muốn tất cả các quốc gia đều thực hiện việc phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và 4 quan chức cao cấp khác của Triều Tiên. Tuy nhiên, sau đó, nước này buộc phải chấp thuận rằng, các biện pháp này chỉ ấp dụng với ông Pak Yong Sik- một quan chức quân sự có chân trong Quân ủy Trung ương Triều Tiên.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết ban đầu của Mỹ cũng tính đến việc phong tỏa tài sản của hãng Hàng không Quốc gia Triều Tiên Air Koryo, Quân đội Triều Tiên và 5 cơ quan quan trọng khác của Đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, sau đó chỉ có Quân ủy Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương Triều Tiên chịu lệnh phong tỏa này.
Triều Tiên tiếp tục hứng chịu sức ép vì thử hạt nhân và tên lửa
Nga-Trung sợ Mỹ “đã đi quá xa”
Trong khi đó, dù bỏ phiếu chấp thuận để Hội đồng Bảo an siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên, cả Trung Quốc và Nga đều lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an cần sớm thông qua một nghị quyết về một giải pháp chính trị nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên trong hòa bình.
Trước đó, Nga và Trung Quốc đã cùng đề xuất sáng kiến “cùng đóng băng”, trong đó, Triều Tiên sẽ dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác đề xuất này.
Dù vậy, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất vẫn tuyên bố, nước này đã thực hiện “những nỗ lực không mệt mỏi” nhằm duy trì hòa bình và ổn định hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Lưu Kết Nhất kêu gọi Hội đồng Bảo an cần thông qua sáng kiến “cùng đóng băng” và khẳng định rằng, việc đối thoại với Triều Tiên nên diễn ra “càng sớm càng tốt”. Đại sứ Trung Quốc cùng bày tỏ mong muốn Mỹ cam kết không tìm cách thay đổi chế độ tại Triều Tiên.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia công khai tuyên bố, dù ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Nga không cảm thấy thoải mái với cách tiếp cận vấn đề của Hội đồng Bảo an.
Theo ông Nebenzia, sự “miễn cưỡng của Mỹ” khi tái khẳng định cam kết không tìm cách gây chiến hay lật đổ chế độ tại Triều Tiên cũng như đồng ý để Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sử dụng văn phòng của mình làm nơi thảo luận về giải pháp giải quyết vấn đề Triều Tiên “đặt ra những câu hỏi hết sức đáng lo ngại cho chúng tôi”.
“Chúng tôi tin rằng, việc buộc Triều Tiên đi đúng hướng sẽ không thể được thực hiện thông qua việc liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, mà phải thông qua các giải pháp chính trị”, Đại sứ Nga Nebenzia nhấn mạnh.
Dù vậy, theo ông Nebenzia, nghị quyết mới nhằm vào Triều Tiên cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định khi có thêm nội dung nêu rõ “các bên cần tiếp tục nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và tiến tới một giải pháp toàn diện giải quyết vấn đề Triều Tiên”.
Nghị quyết mới cũng tái khẳng định sự ủng hộ các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên có sự tham gia của Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc./.
Báo Nga: Mỹ là nước hưởng lợi không ngờ từ khủng hoảng Triều Tiên