Báo Nga: Mỹ là nước hưởng lợi không ngờ từ khủng hoảng Triều Tiên
VOV.VN - Theo Sputnik, Bình Nhưỡng đang làm giàu cho Mỹ nếu tiếp tục đưa ra những lời đe dọa liên quan tới cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Nguồn thu Washington kiếm được xuất phát từ các thương vụ mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD giữa Mỹ và các nước láng giềng của Triều Tiên. Những quốc gia như Hàn Quốc hay Nhật Bản đang phải tìm cách bảo vệ mình trước mối lo từ Bình Nhưỡng bằng cách hiện đại hóa quốc phòng một cách nghiêm túc.
Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.
Để làm được điều đó, Seoul và Tokyo cần đến máy bay phản lực, tên lửa phòng không, trạm radar và các sản phẩm đắt giá khác mà nguồn cung chủ yếu là từ Washington.
Không lâu sau khi quốc gia Đông Bắc Á tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hôm 3/9, Tổng thống Donald Trump gần như ngay sau đó tiết lộ đã thông qua kế hoạch bán một lượng lớn vũ khí cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo một phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, từ năm 2010 đến năm 2016, Mỹ đã bán gần 5 tỷ USD vũ khí cho Hàn Quốc. Nhưng con số này vẫn chưa là bao so với các thương vụ giữa Mỹ và Saudi Arabia, Australia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Trong khi đó, dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế chỉ ra rằng từ năm 2001, khối lượng buôn bán vũ khí đã gia tăng không ngừng. Trong lĩnh vực này, Mỹ đã vượt lên tất cả, đạt tỷ lệ tăng trưởng doanh số 33% trong giai đoạn 2011-2015, trong khi từ năm 2006 đến năm 2010, con số này là 29%.
Theo số liệu Mỹ cung cấp, trong năm 2015, doanh thu của việc bán vũ khí cho các nước khác của Mỹ đạt 47 tỷ USD, nhiều hơn 15 tỷ USD so với năm 2014.
Sputnik dẫn lời nhà phân tích Miroslav Lazanski của quân đội Serbia cho rằng, bất kỳ cuộc xung đột trên thế giới đều là món quà cho những quốc gia với ngành công nghiệp quân sự hùng mạnh và cách mà Mỹ đang làm chỉ đơn giản là lặp lại công thức từng được thử nghiệm để thúc đẩy doanh số quốc phòng cũng như sức mạnh kinh tế.
Một minh chứng sinh động là cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Vùng vịnh, nơi Saudi Arabia và các đồng minh của họ kêu gọi tẩy chay Qatar vì cáo buộc trài trợ khủng bố.
Vào thời điểm này, Tổng thống Trump tới Riyadh và ký với Saudi Arabia một hợp đồng vũ khí có trị giá vũ khí trị giá 350 tỷ USD trong 10 năm, với gần 110 tỷ USD có hiệu lực ngay tức thì.
Theo thông tin từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng, thương vụ này bao gồm các hoạt động mua bán các loại xe tăng, pháo, trực thăng, các hệ thống hỗ trợ trên không tầm gần, máy bay thu thập thông tin tình báo, các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot và THAAD.
Theo ước tính của ông Miroslav, trong mỗi cuộc khủng hoảng, Mỹ thường kiếm được 20-25 tỷ USD. Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Varli cho rằng, cách mà Mỹ kiếm tiền hết sức đơn giản.
Khi các cuộc khủng hoảng nổ ra, Mỹ có thể thu được lợi ích kinh tế trực tiếp từ tình hình. Điều này đã được Washington áp dụng cực kỳ hiệu quả ở khu vực Trung Đông và có thể sẽ là ở bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới./. Triều Tiên đối diện với biện pháp trừng phạt mới của LHQ
Mọi con đường có đưa Mỹ hướng tới lựa chọn quân sự với Triều Tiên?