Liên đoàn Arab kêu gọi hỗ trợ quân sự cho Libya chống IS
VOV.VN - Liên đoàn Arab kêu gọi nhanh chóng thực hiện một chiến lược Arab bao gồm việc hỗ trợ quân sự cho Libya chống IS.
Liên đoàn Arab (AL) hôm qua ( 18/8) đã kêu gọi đề ra "một chiến lược khẩn cấp" nhằm hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Libya chống lại phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Bạo loạn ở Libya. Ảnh: Alternet. |
Lời kêu gọi đưa ra tại một cuộc họp bất thường của các Ngoại trưởng Liên đoàn Arab ở thủ đô Cairo (Ai Cập) để thảo luận về đề nghị của Chính phủ Libya được quốc tế công nhận, thông qua các biện pháp chống IS, đặc biệt là trong bối cảnh IS đã chiếm được thành phố duyên hải Sirte.
Tuyên bố chung sau cuộc họp khẳng định trước tình hình khó khăn hiện nay, cần nhanh chóng thực hiện một chiến lược Arab, trong đó có hỗ trợ quân sự cho Libya chống lại những hoạt động khủng bố của IS.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabin al Arabi cho rằng cần có một sự cam kết của các quốc gia Arab để bảo bảo đảm an ninh trong toàn khu vực. Tuy nhiên, trước mắt các quốc gia cần phải giúp đỡ Libya.
Ông Arabi nói: “Thật không may, những trợ giúp của quốc tế và Liên đoàn Arab mà chính phủ hợp pháp của Libya nhận được hiện nay là chưa đủ và chưa đạt được đến mức độ mong muốn của người dân Libya. Tôi kêu gọi các quốc gia phải làm nhiều hơn nữa”.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Arab hối thúc Liên Hợp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với chính phủ hợp pháp Libya để tạo thuận lợi cho nước này chiến đấu chống khủng bố.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Libya Mohammed al-Dari đã kêu gọi Liên đoàn Arab trợ giúp quân sự bằng các cuộc không kích. Bởi vì, lực lượng không quân Libya hiện không đủ khả năng tấn công IS ở thành phố Sirte. Theo ông Dairi, sự nguy hiểm mang tên IS tại Libya cũng chính mối nguy hiểm đối với các quốc gia Arab và châu Âu.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Tháng 8/2014, Liên minh Hồi giáo vũ trang "Bình minh Libya" chiếm được thủ đô Tripoli và thành lập một chính phủ tại đây.
Trong khi đó, chính phủ và quốc hội Libya được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông. Lợi dụng cuộc khoảng chính trị, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đã mở rộng chiếm đánh và kiểm soát được thành phố ven biển Sirte hồi tháng 6 vừa qua./.