Liên Hợp Quốc lần đầu tiên xác nhận IS bành trướng tại Libya
VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 3/11 công bố báo cáo lần đầu tiên thừa nhận IS tăng cường mở rộng các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Libya.
Theo các nhà phân tích, bản báo cáo này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tìm kiếm những con đường hợp pháp để mở rộng cuộc chiến chống khủng bố, hiện mới chỉ giới hạn ở Syria và Iraq.
Phiến quân IS trên đường sang Lybia. Ảnh AP
Trong báo cáo hàng năm công bố ngày 10/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Sự bành trướng của nhóm IS tại Libya về bản chất đã đạt tới mức mà một cuộc can thiệp của cộng đồng quốc tế và khu vực có thể dẫn tới một sự phân cực ngày càng lớn”. Bởi, với tham vọng thành lập một Nhà nước Hồi giáo, IS đã phát triển tư duy chủ nghĩa dân tộc và có thể nói là đã dựng được một bức tường thành vững chãi nhất để chống lại bất kỳ sự can thiệp của nước ngoài.
Nhóm khủng bố đã lợi dụng khoảng trống quyền lực và an ninh tại Libya kể từ sau cuộc lật đổ chính quyền lãnh đạo Gaddafi hồi năm 2011 để tăng cường hoạt động, cũng như mở rộng ảnh hưởng và hiện đã có khoảng 6.000 tay súng tại quốc gia Bắc Phi này, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái và trong số này có một lượng lớn tay súng nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc giành quyền kiểm soát Sirte, với âm mưu biến thành phố này thành một thành trì mới đã không thể giúp IS tiếp cận hệ thống Ngân hàng của Libya do sự trục trặc và lỗi thời của các hệ thống, tức là các nguồn tài chính quốc gia của Libya vẫn an toàn.
Thực tế là không chờ đến báo cáo này của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà cộng đồng quốc tế mới ý thức được sự trỗi dậy nguy hiểm của IS tại Libya.
Các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp đã không dưới một lần bày tỏ lo ngại về vấn đề này, khi thành phố Sirte chỉ cách Italy, cửa ngõ châu Âu có vài trăm km.
Mới đây, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng hối thúc các đảng phái đối lập tại Libya sớm thành lập Chính phủ đoàn kết để tạo mặt trận chung chống nhóm IS.
“Tôi tin rằng, ưu tiên hàng đầu lúc này là Libya phải thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc. Điều này trước tiên là vì lợi ích của tất cả người dân Libya, của các dân tộc Libya và của các gia đình Libya.
Vì thế, dù khó khăn, song cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực hết sức để một chính phủ đoàn kết tại Libya cuối cùng sẽ được thành lập, sẽ giành được sự tin tưởng và bắt đầu làm việc. Người Libya cần phải nhớ rằng, thời gian không phải là vô hạn”, ông Renzi nói.
Trong khi đó, Mỹ dù không công khai thừa nhận cũng đã tiến hành một số chiến dịch chống khủng bố tại Libya và tuyên bố đang cân nhắc mở thêm một mặt trận thứ 3 tại Libya, sau Iraq và Syria.
Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?
Tunisia, quốc gia láng giềng vừa phải chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi đầu tuần làm hơn 50 người chết cũng vừa hoàn thành hàng rào tại biên giới phía Nam nhằm ngăn chặn các tay súng thánh chiến xâm nhập lãnh thổ.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, dù nội dung không mới, song bản báo cáo này có thể xem là một cơ sở quan trọng để Mỹ và các đồng minh phương Tây công khai thảo luận khả năng mở thêm một trận mặt trận thứ 3 chống khủng bố tại Libya, sau Iraq và Syria./.