Liên Hợp Quốc thông qua “Hiệp ước vì Tương lai”
VOV.VN - Trong khuôn khổ sự kiện mở màn Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ (ĐHĐ LHQ) khóa 79 (từ 22-23/9) tại Mỹ, các nước thành viên (22/9) đã nhất trí thông qua “Hiệp ước vì Tương lai” nhằm tập hợp các quốc gia các trên thế giới để giải quyết những thách thức của thế kỷ 21.
Theo đó, “Hiệp ước vì Tương lai” gồm 42 trang, đã nêu rõ 56 hành động cụ thể như cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương LHQ và gìn giữ hòa bình; kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ); thực hiện những nỗ lực mới để ứng phó với biến đổi khí hậu, nghèo đói, xung đột vũ trang, thúc đẩy giải trừ vũ khí và nêu định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, Hiệp ước còn nhấn mạnh niềm tin vào “con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại".
Với đa số ý kiến tán thành, “Hiệp ước vì Tương lai” được thông qua trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu đã làm nổi bật nhu cầu cải tổ Liên hợp quốc và các hệ thống tài chính quốc tế. Những thách thức này bao gồm các cuộc xung đột ở Ucraina, Dải Gaza và Sudan; nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu chậm trễ; các vấn đề nợ công lan rộng; mối lo ngại về công nghệ phát triển mà không có sự quản lý.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, sau hơn 9 tháng đàm phán, “Hiệp ước vì Tương lai” là một văn bản mang tính bước ngoặt, hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn và có tính tương tác, kết nối cao hơn trong bối cảnh thế giới đang đối mặt thời kỳ hỗn loạn và diễn biến nhanh chóng. Chúng ta phải thực hiện những bước đi quyết định đầu tiên nhằm cải cách tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Philemon Yang nhấn mạnh các cam kết nêu trong Hiệp ước đã phản ánh ý chí chung của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy xã hội công bằng và toàn diện, và đảm bảo rằng công nghệ luôn vì lợi ích chung của nhân loại".
Đến nay, lãnh đạo của nhiều nước cũng cam kết củng cố hệ thống đa phương để bắt kịp với xu thế mới, đồng thời bảo vệ nhu cầu cũng như lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kéo dài.