Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết triển khai cảnh sát tới Burundi
VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua một nghị quyết cho phép triển khai lực lượng cảnh sát không vũ trang đến Burundi.
Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị nghiêm trọng tại Burundi, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải triệu tập một cuộc đối thoại giữa các bên xung đột tại nước này.
Binh sĩ của Liên Hợp Quốc tại Burundi. Ảnh AFP
Văn bản do Pháp soạn thảo yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thành lập một đội ngũ cảnh sát phối hợp với Liên minh châu Phi (AU) sẵn sàng thực hiện sứ mệnh tại Burundi sau khi tham vấn với Chính phủ nước này.
Theo đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre, đây là bước tiến đầu tiên hướng tới sự hiện diện mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc tại Burundi, giúp đảm bảo sự tôn trọng các quyền con người và lập lai ổn định cho nước này.
“Trong 15 ngày tới, lực lượng cảnh sát phi vũ trang và quan sát viên của Liên Hợp Quốc phối hợp với Liên minh châu Phi sẽ được triển khai tới Burundi. Mục tiêu của sứ mệnh này là bảo vệ và củng cố Hiệp định hòa bình và hòa giải Arusha của Burundi.
Pháp tin rằng Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ làm mọi thứ để giúp lập lại ổn định, đem lại hòa bình cho người dân Burundi. Nghị quyết được thông qua với sự nhất trí cao cho thấy sự tin tưởng tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Burundi kéo dài suốt 1 năm qua”, ông Delattre nói.
Theo nghị quyết, khoảng 30 cảnh sát phi vũ trang sẽ được triển khai tới Burundi, chủ yếu làm nhiệm vụ giám sát thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc Arusha đạt được năm 2008.
Căng thẳng tại Burundi gia tăng từ tháng 4 năm ngoai sau khi đảng cầm quyền chọn Tổng thống Pierre Nkurunziza làm ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào giữa năm nay.
Phe đối lập và các nhóm nhân quyền cho rằng động thái này vi phạm Hiến pháp Burundi, cũng như Thỏa thuận hòa bình và hòa giảiA-ru-sha, theo đó quy định Tổng thống không được giữ ghế quá 2 nhiệm kỳ. Kể từ đó, nhiều cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn trên khắp quốc gia châu Phi này đã làm ít nhất 400 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn khác phải rời bỏ nhà cửa đi lán nạn./.