Liên Hợp Quốc tuyên bố “tình trạng thiên tai nghiêm trọng” ở Myanmar
VOV.VN - Liên Hợp Quốc ngày 4/8 tuyên bố “tình trạng thiên tai nghiêm trọng” đối với đợt lũ lịch sử đang xảy ra tại nhiều khu vực của Myanmar.
Trong một thông cáo, Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo Liên Hợp Quốc cho biết, chính quyền Myanmar đã chính thức kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ đối phó với lũ lụt nghiêm trọng.
Cảnh báo số thiệt hại về người và của còn tiếp tục tăng, Điều phối viên các hoạt động nhân Liên Hợp Quốc Eamonn Murphy cho rằng, Myanmar đang phải đối mặt với “một thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng”, đồng thời nhấn mạnh, chính phủ Myanmar đã có sự chuẩn bị tốt.
Người dân Myanmar chật vật đối phó với lũ. (ảnh: Getty) |
Mưa lớn những ngày qua đã khiến mực nước dâng nhanh và gây lở đất tại nhiều khu vực. Theo báo cáo mới nhất, chỉ trong chưa đầy 1 tuần qua, mưa lũ tại Myanmar đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 47 người và buộc hơn 210.000 người phải sơ tán.
Tại miền Bắc và miền Tây, hàng nghìn ngôi nhà, đất nông nghiệp, nhiều cây cầu và đường giao thông bị phá hủy, trong khi hàng trăm khu vực bị cô lập do nước lũ. Sáng 4/8, hàng chục binh sĩ đã được điều tới Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, miền Tây Myanmar trong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục các nỗ lực nhằm tiếp cận với những ngôi làng bị cô lập do nước lũ.
Ông Aloh Taw Pyay Sayadaw, một lãnh đạo bang Rakhine cho biết: “Tình trạng lũ lụt tại bang Rakhine là rất tồi tệ. Nhìn ra xung quanh, các bạn có thể thấy tình trạng nghiêm trọng tại nhiều ngôi làng. Họ không còn gì cả và khắp nơi đều ngập trong nước lũ”.
Bộ Thông tin Myanmar cho biết, một danh sách chính thức các nhu cầu khẩn cấp sẽ được gửi tới Liên Hợp Quốc trong ngày 4/8, đồng thời nhấn mạnh, trước mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, các nguồn lực địa phương là không đủ. Theo ông, một số khu vực tại vùng Sagaing đang phải đối mặt với đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong 100 năm.
Không chỉ tại Myanmar, một số nước châu Á khác cũng đang phải hứng chịu mưa lớn nhiều ngày qua do ảnh hưởng của bão Komen, nhất là Ấn Độ và Pakistan.
Tại Ấn Độ, ít nhất 215 người thiệt mạng và 1,2 triệu người phải sơ tán tới các lán trại, trong khi tại nước Pakistan láng giềng, ít nhất 118 người chết và hơn 800.000 người chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu. Hàng năm, vào mùa mưa cả hai quốc gia Nam Á này đều phải hứng chịu các đợt mưa lũ và lở đất nghiêm trọng./.