Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo IS “thêm vây thêm cánh”
VOV.VN - Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 1/10 cho biết, máy bay chiến đấu của nước này sẽ tham gia liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu đang được “thêm vây thêm cánh” khi ngày 30/9, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị Quốc hội nước này cho phép một hành động quân sự ở Iraq và Syria để ngăn chặn đà tiến công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Tháng trước, Thủ tướng Australia Abbott đã cử 10 máy bay chiến đấu đến Các tiểu vương quốc Arập thống nhất để chuẩn bị cho việc tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo. Đội bay này gồm 8 máy bay chiến đấu Siêu ong bắp cày (Super Hornet), một máy bay cảnh báo và kiểm soát cùng một máy bay tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, các máy bay của Australia sẽ chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ các cuộc không kích ở Iraq. Ngoài ra còn có khoảng 600 nhân sự, gồm 400 lính không quân và 200 lính đặc nhiệm.
Phát biểu trước Quốc hội Australia ngày 1/10, Thủ tướng Abbott cho biết: “Chúng ta vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng để cam kết lực lượng chiến đấu nhưng các máy bay của Australia từ ngày 1/10 sẽ bắt đầu sứ mệnh hỗ trợ chiến dịch của liên quân quốc tế tại Iraq. Tôi nhấn mạnh rằng sứ mệnh này là sứ mệnh hỗ trợ, không phải chiến dịch không kích. Các cuộc không kích của Australia sẽ phải đợi sự cho phép cuối cùng từ phía Chính phủ Iraq cũng như quyết định thêm từ phía chúng ta”.
Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/9 đề nghị Quốc hội nước này cho phép tiến hành một chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria để truy quét các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Đây là sứ mệnh mở rộng của chiến dịch không kích các tay súng người Kurd ở miền Bắc Iraq và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các mối đe dọa từ quân đội Syria.
Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 30/9 với sự có mặt bất thường của Tổng tham mưu trưởng quân đội Necdet Ozel, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cho biết: “Chúng tôi quyết định làm mới sứ mệnh này và chuẩn bị cho 1 sứ mệnh giải quyết tất cả những mối đe dọa tiềm tàng bằng mọi biện pháp có thể dựa trên việc xem xét vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Có đường biên giới chung kéo dài với cả Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là 1 trong những “tiền tuyến” quan trọng nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Song đến nay Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khá e dè trước một hành động quân sự do lo ngại điều này có thể củng cố sức mạnh cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như các nhóm vũ trang liên minh với cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang đấu tranh đòi quyền tự trị cao hơn suốt 3 thập kỷ qua.
Một số chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chỉ tiến hành không kích sẽ không giải quyết được bài toán ổn định đường biên giới 1200km ở phía Nam nước này. Lập trường hạn chế can dự của Thổ Nhĩ Kỳ bị lung lay sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt giữ 49 con tin Thổ Nhĩ Kỳ dù sau đó họ đã được thả. Các nghị sỹ Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến thảo luận và nhiều khả năng thông qua đề xuất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về việc tiến hành 1 chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria trong cuộc họp ngày 2/10.
Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ chưa triển khai bộ binh đến Iraq hay Syria nếu cộng đồng quốc tế chưa áp đặt một vùng cấm bay tại đây. Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên nêu ra ý tưởng “vùng cấm bay” ở Syria cách đây hơn 2 năm với lập luận rằng điều này cần thiết để tạo cân bằng lực lượng giữa phe nổi dậy với quân đội của Tổng thống al-Assad nhưng lúc đó Mỹ không sẵn sàng “nhúng tay” vào cuộc xung đột ở Syria. Ý tưởng này được Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, hồi tuần trước nhưng cũng không giành được nhiều sự ủng hộ./.