Liên tiếp thử tên lửa, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì tới Mỹ và đồng minh?
VOV.VN - Triều Tiên hôm nay (17/1) tiếp tục phóng thử tên lửa. Đây là vụ phóng thử thứ 4 của Triều Tiên chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần qua.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các vụ phóng thử liên tiếp của Triều Tiên chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy nước này đang gây sức ép với Mỹ trước khi nhận lời đàm phán.
Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên cùng ngày có thể đã phóng 2 vật thể, được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên sáng sớm nay. Vụ phóng được thực hiện tại một khu vực gần sân bay Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Ngay sau đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng xác nhận, vật thể bay mà Triều Tiên phóng đi dường như là một tên lửa đạn đạo và có thể đã rơi xuống biển, ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hiện các cơ quan chức năng Nhật Bản đang phân tích thông tin vụ phóng mới nhất này.
Ngay trong cuộc họp báo diễn ra sáng 17/1, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã kịch liệt lên án vụ phóng mới nhất, cho rằng, đây là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực: “Các hành động gần đây của Triều Tiên, trong đó có các vụ phóng thử liên tiếp tên lửa đạn đạo là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của Nhật Bản và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Chúng tôi kịch liệt lên án các hành động này. Để bảo vệ cuộc sống của người dân và các tài sản, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì tốt nhất để thu thập và phân tích thông tin cũng như giám sát chặt chẽ tình hình. Ngay khi chúng tôi có đầy đủ thông tin sẽ có thông báo công khai càng sớm càng tốt”.
Đây là vụ phóng thứ 4 của Bình Nhưỡng từ đầu năm tới nay. Trước đó, trong các ngày 5, 11 và 14/1, Triều Tiên cũng đã thực hiện các vụ thử tên lửa. Theo đánh giá của giới chuyên gia, các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên là hành động bất thường cho thấy, nước này đang sử dụng chiến thuật đã từng sử dụng trước đây nhằm gây sức ép với Mỹ và các nước láng giềng trước khi đưa ra đề nghị đàm phán.
Hiện nay, Mỹ và các nước láng giềng Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Nhật Bản đang theo đuổi nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và quay trở lại lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn đang từ chối lời kêu gọi đàm phán không kèm theo điều kiện của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo quan điểm của Triều Tiên, để quay lại đàm phán, trước tiên Mỹ cần từ bỏ chính sách thù địch, ngụ ý dỡ bỏ trừng phạt với Triều Tiên cũng như dừng các cuộc tập trận giữa Mỹ với Hàn Quốc.
Từ lâu nay, Triều Tiên vẫn cho rằng các vụ thử tên lửa của nước này là quyền tự vệ chính đáng và cáo buộc Mỹ cố tình gây căng thẳng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Triều Tiên cũng khẳng định, việc nước này gần đây phát triển một “vũ khí kiểu mới” chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa khả năng phòng thủ quốc gia và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào hoặc gây tổn hại đến an ninh của các nước láng giềng.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 5 cá nhân Triều Tiên được cho là có liên quan các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Chính quyền của ông Biden thậm chí còn nói rằng sẽ yêu cầu Liên Hợp Quốc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Giới quan sát nhận định, với các vụ phóng tên lửa dồn dập, Triều Tiên có thể sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Hội đồng Bảo an đã tiến hành họp khẩn sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và bày tỏ quan ngại về hành động của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi nước này tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Trong một tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nói: “Chúng tôi rất quan ngại về các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng quan ngại về những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên và tái khẳng định lời kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong những nghị quyết của Hội đồng Bảo an và nối lại đàm phán với các bên liên quan. Chúng tôi nhắc lại một lần nữa quan điểm của Liên hợp quốc, chúng tôi luôn tin rằng, cam kết ngoại giao là cách duy nhất để đạt được hòa bình bền vững và góp phần phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên"./.