Lùi áp thuế, miễn thuế thịt lợn và đậu nành: Vì sao Mỹ-Trung cùng 'xuống nước'?
VOV.VN - Áp lực trong nước gia tăng, Mỹ và Trung Quốc buộc phải có những nhượng bộ nhằm tạo bầu không khí thoải mái trước vòng đàm phán thương mại thứ 13.
Trung Quốc sẽ miễn thuế bổ sung đối với đậu nành, thịt lợn và một số nông sản khác của Mỹ. Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Mỹ.
Trung Quốc miễn thuế bổ sung đối với thịt lợn và đậu nành Mỹ. Ảnh: EPA |
Động thái “thiện chí” này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trì hoãn đợt tăng thuế tiếp theo đối với hàng hóa Trung Quốc cho đến sau khi cuộc đàm phán thương mại dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10. Bên cạnh đó, các quan chức ở Washington cũng xác nhận Trung Quốc đã thực hiện giao dịch mua lô đậu nành lớn đầu tiên của Mỹ trong vài tháng qua.
Quyết định rút lại một số mức thuế mới của Trung Quốc là một dấu hiệu khác cho thấy 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng giảm bớt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại làm “rung chuyển” thị trường toàn cầu. Điều đó cũng đến vào đúng thời điểm khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận, bao gồm cả suy thoái kinh tế và những bất ổn ở Hong Kong.
Trong thông báo đưa ra ngày 13/9, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc viện dẫn quyết định của ông Trump liên quan đến việc trì hoãn đợt tăng thuế tiếp theo đối với hàng hóa Trung Quốc trong 2 tuần. Theo đó, các mức thuế mới sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 15/10.
Động thái của Trung Quốc ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của chính quyền Tổng thống Trump, khi họ cho rằng điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trước vòng đàm phán tiếp theo.
“Bầu không khí đã hạ nhiệt khi Trung Quốc miễn một số thuế quan. Chúng tôi đã quay trở lại làm việc, và các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp. Và như Tổng thống đã nói hôm qua, chúng tôi luôn sẵn sàng cho một thỏa thuận tốt” - ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, cho biết.
Một bộ phận nông dân không nhỏ ở Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan do Bắc Kinh áp đặt đối với hàng hóa của Mỹ - một sự trả đũa đối với thuế quan mà Nhà Trắng áp đặt đối với Trung Quốc. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang đến gần, trong khi những lá phiếu “nông dân” tại nhiều bang lại rất quan trọng đối với ông Trump. Trong cuộc tranh luận bầu cử của đảng Dân chủ hôm thứ Năm, một số ứng cử viên đã tấn công ông Trump bằng dẫn chứng về những tác động của cuộc thương chiến đối với nông dân.
Các cố vấn của ông Trump nói rằng họ sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc ký kết một “thỏa thuận chuyển đổi”, trong khi nhiều người lại mong muốn làm dịu căng thẳng và tránh tăng thuế quan hơn nữa. Họ cân nhắc việc thực hiện một thỏa thuận, theo đó sẽ đẩy lùi đợt thuế quan mới nhất đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của ông Trump – chỉ giữ lại thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa – để đổi lấy việc mua đậu nành, thịt lợn và các sản phẩm khác với số lượng lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đưa ra một đề nghị chính thức như vậy trên bàn thương lượng hay không.
Việc nới lỏng thuế quan nông nghiệp cũng có thể giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề của chính mình. Lạm phát thực phẩm đang gia tăng khi chính quyền Trung Quốc phải chiến đấu với dịch tả lợn châu Phi, khiến Trung Quốc buộc phải tiêu hủy hơn 1 triệu con lợn. Thịt lợn là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo rất dài của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn chưa cho thấy liệu nước này có sẵn sàng đẩy lùi các loại thuế quan mà trước đó đã áp đặt đối với hàng hóa Mỹ hay không. Bắc Kinh bắt đầu ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ một năm trước, khi căng thẳng thương mại leo thang.
Thêm một bằng chứng khác cho thấy mối quan hệ đang “tan băng”: Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 13/9 cho biết các nhà xuất khẩu tư nhân đã báo cáo về 204 nghìn tấn đậu nành mới bán sang Trung Quốc – đây là giao dịch lớn đầu tiên trong vài tháng qua. Trước đó, vào ngày 12/9, các đại diện của Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ cũng cho biết số lượng đậu nành mà Trung Quốc đã mua cỡ khoảng từ 600 nghìn đến 1 triệu tấn.
Một cuộc chiến thương mại với số lượng hàng hóa bị đánh thuế ngày càng mạnh tay sẽ không chỉ đẩy giá cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Trung Quốc và Mỹ tăng cao, mà còn có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa hai nước “đóng băng”.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán hồi tháng 5. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của hai chính phủ sẽ gặp nhau ở Washington vào đầu tháng tới, trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái kinh tế đang gia tăng ở cả hai nước.
Trong một cuộc họp báo ngày 12/9, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng chính phủ nước này đang xem xét những nhượng bộ để mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại. Và một trong những nhượng bộ đầu tiên sẽ là đề nghị mua đậu nành và thịt lợn Mỹ.
“Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ cùng đi theo một hướng, có những hành động thiết thực và tạo ra một môi trường lành mạnh cho các cuộc đàm phán thương mại. Điều đó sẽ tốt cho hai bên và cho cả thế giới”, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết./.