Lybia và sự hối lỗi muộn màng của phương Tây
VOV.VN - Hiện thực quá tàn khốc hiện nay ở Lybia đủ sức đánh tan mọi lý lẽ mỹ miều của phương Tây về dân chủ hay pháp quyền.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gây nhiều sửng sốt khi trong chuyến công du Tunisia tuần qua, đã công kích thẳng mặt NATO sai lầm can thiệp quân sự vào Lybia năm 2011 mà không chuẩn bị các kịch bản hậu chiến.
Mỹ và các nước châu Âu phải chịu trách nhiệm chính cho tình hình hiện nay tại Lybia cũng như khu vực.
Sự hối lỗi muộn màng của Pháp nói riêng, phương Tây nói chung liệu có “chân thành” nếu không phải chính châu Âu đang phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp mà cuộc chiến phi pháp năm đó gây ra?
Hiện trường một vụ không kích ở Lybia (Ảnh: Reuters) |
Những gì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ra không mới, nhưng nó gây rúng động bởi những từ ngữ đó được phát đi từ miệng Tổng thống Pháp, một nước phương Tây hàng đầu, và chính là nước xung phong tích cực nhất trong việc trút bom đạn xuống mảnh đất Lybia hơn 6 năm trước.
Đó là một sự nhận lỗi muộn màng từ phương Tây, một sự nhận lỗi không thể không làm bởi hiện thực quá tàn khốc hiện nay ở Lybia đủ sức đánh tan mọi lý lẽ mỹ miều của phương Tây về dân chủ hay pháp quyền.
Hơn 6 năm sau khi kích hoạt cuộc chiến lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Gaddafi, phương Tây thu lại được gì ở Lybia? Đó là một đất nước đổ nát, tan hoang, vô chính phủ và vô luật pháp.
Các cuộc nội chiến liên miên giữa đủ mọi phe phái, bộ tộc, sự xâm nhập của các mạng lưới khủng bố và các đường dây buôn người…đã biến đất nước Lybia từng một thời có đời sống ổn định và các chỉ số phát triển cao nhất ở Bắc Phi thành một vùng đất của chết chóc và tội phạm.
Sự đổ vỡ của nhà nước Lybia không đơn thuần là sự sụp đổ của một quốc gia mà quan trọng hơn, cơn lốc phi lý trí của cái mà phương Tây gọi là “Mùa xuân Ả rập” mà Lybia bị cuốn vào đã làm biến dạng cả khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Những sự đổ vỡ dây chuyền, mà bi kịch lớn nhất là tại Syria, đã làm méo mó cấu trúc địa chính trị vốn được dựng lên tương đối ổn định sau nhiều thập kỷ cân bằng quyền lực trong khu vực.
Phương Tây vội vã rút đi khi không còn điều khiển được tình hình, để mặc người dân các nước ở lại sống trong bom đạn chiến tranh và tội phạm hoành hành.
Và như cái vòng nhân-quả, mảnh đất đó lại trở thành tiền đồn cho các đường dây buôn người, cho các con tàu đầy ắp người tị nạn, vô vọng vượt qua Địa Trung Hải tiến về châu Âu. Làn sóng tị nạn ập về châu Âu vài năm qua, suy cho cùng, là do chính thế giới phương Tây tạo nên.
Đó có lẽ mới là lí do buộc các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao phương Tây phải thốt ra những lời lẽ hối tiếc bởi thực tế, nếu họ biết nghĩ đến lợi ích của các quốc gia khác chứ không chỉ lợi ích tư bản của mình, thì lịch sử không thiếu bài học.
Hơn 1 thập kỷ trước, cuộc chiến Iraq cũng đã diễn ra để rồi đến tận hôm nay, 15 năm sau ngày đó, đất nước Iraq vẫn ngổn ngang trong đói nghèo, bất ổn và nỗi lo bom đạn. Những lãnh đạo phương Tây chủ chiến hàng đầu của ngày đó, như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, sau này chỉ đơn giản nói ra một câu hối tiếc, rằng đã tiến đánh Iraq vì những thông tin bịa đặt. Hàng trăm nghìn mạng sống mất đi, cả một đất nước biến thành đổ nát, một dân tộc bị hủy hoại…chỉ đổi lại là vài lời nhận lỗi.
Sự hối lỗi nào cũng đáng ghi nhận, nhưng điều quan trọng hơn cả, là sự nhận thức được bản chất của những điều đã diễn ra. Tổng thống Pháp Macron đã chỉ ra được điều tệ hại mà phương Tây đã làm hơn 6 năm trước. Đáng chú ý là những điều này được ông Macron nói ra tại Tunisia, đất nước không chỉ là láng giềng của Lybia mà còn là nơi khởi phát của cái gọi là “Mùa xuân Ả rập” đẩy cả khu vực Trung Đông- Bắc Phi vào hỗn loạn trong gần 1 thập kỷ qua.
Bài học rút ra rất trực diện: hãy nhìn vào bản chất của câu chuyện, để không bao giờ bị đánh lừa và huỷ hoại bởi những lời lẽ dối trá của những kẻ giàu bom đạn./. Gần 100 người Lybia di cư có thể đã mất mạng trên biển
Tổng thống Pháp Macron công kích NATO can thiệp vào Lybia năm 2011