Macron hay Le Pen: Dù là ai, nước Pháp cũng đang thay đổi

VOV.VN - Việc ứng cử viên Marine Le Pen lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp không hẳn đã là điều đáng chú ý nhất của cuộc bỏ phiếu lần này.

Một Le Pen khác...

Le Pen không phải là một cái tên xa lạ. Tháng 4/2002, bằng việc đánh bại đương kim Thủ tướng Lionel Jospin của đảng Xã hội, Jean-Marie Le Pen đã gây nên một cú sốc chấn động trong nền chính trị Pháp và trở thành ứng cử viên cực hữu đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ Năm nước Pháp bước vào vòng 2 một cuộc bầu cử Tổng thống.

Jean-Marie Le Pen, năm nay 89 tuổi, là người sáng lập đảng Mặt trận quốc gia - FN (Front national) và là cha của bà Marine Le Pen. 15 năm sau cha mình, bà Marine Le Pen đã tái hiện lịch sử, bước vào vòng 2 để đua tranh chiếc ghế công dân số 1 nước Pháp.

Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. (Ảnh: Huffington Post)
Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng Marine Le Pen là bản sao của Jean-Marie Le Pen. Hai người khác nhau, kịch liệt đến mức cách đây 2 năm còn đưa nhau ra tòa và không nhìn mặt nhau.

Khác biệt lớn nhất là chiến lược và tham vọng. Sau khi lên thay cha mình để lãnh đạo đảng FN, bà Marine Le Pen đề ra một chiến lược xuyên suốt gọi là “dédiabolisation”, tức là tẩy rửa hình ảnh xấu xí của đảng FN.

Để làm điều đó, bà Marine Le Pen tìm mọi cách mềm hóa hình ảnh của đảng, hạn chế các phát ngôn gây sốc đến mức không thể chấp nhận như người cha và cùng lúc đó, xây dựng chiến lược biến FN thành một đảng phái bảo vệ nước Pháp thuần khiết, bảo vệ người Pháp da trắng trước sự tấn công của những giá trị ngoại lai.

Dù trong sâu thẳm, FN vẫn là một đảng cực hữu với các khuynh hướng kỳ thị sắc tộc, tôn giáo và bảo thủ kinh tế nhưng ở thể hiện bề ngoài, FN dưới thời Marine Le Pen khác xa FN của Jean-Marie Le Pen. FN ngày nay được ngụy trang tốt hơn và cũng được trang bị tốt hơn cho một cuộc chiến dài hơi.

Nhiều năm trước, FN chỉ là tồn tại như một phong trào phản kháng có tính phát xít thô bạo và mơ mộng quyền lực một cách vụng về. Hiện tại, FN là một đảng phái có tham vọng rõ ràng, có chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn, xây dựng được cơ sở vươn khắp nước Pháp, không còn giới hạn ở vùng phía Bắc và ngày càng vay mượn nhiều màu sắc của các chủ nghĩa dân túy và dân tộc cực đoan. Khẩu hiệu tranh cử “Au nom du peuple – Nhân danh nhân dân” của bà Marine Le Pen thể hiện rõ điều này.

Việc bà Marine Le Pen tiến vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay tuyệt đối không phải bất ngờ. Đảng FN và bản thân bà Marine Le Pen đã tập dượt kỹ càng và thành công với chiến lược mới trong suốt các cuộc bầu cử vài năm gần đây, từ bầu cử địa phương cho đến bầu cử nghị viện châu Âu.

Từ năm 2015, FN trên thực tế đã trở thành chính đảng lớn thứ 3 nước Pháp, đã lần đầu lên nắm quyền ở cấp thành phố và suốt một thời gian dài từ đầu năm 2017, bà Marine Le Pen luôn được dự đoán là người sẽ về nhất cuộc bỏ phiếu vòng 1, trước khi bị ông Emmanuel Macron vượt lên trong giai đoạn cuối.

Bất ngờ thực sự, vì thế, sẽ phải là điều có thể sẽ đến vào ngày 7/5 tới, thời điểm mà không chỉ nước Pháp mà cả châu Âu đều phải chờ đợi trong âu lo.

Bởi khác với 2002, lần này cái tên Le Pen thực sự có cơ hội chiến thắng, dù ít.

Vẽ lại nền chính trị Pháp

Nhưng bỏ qua việc bà Le Pen vào vòng 2, bỏ qua cả chiến thắng ngoạn mục của ông Macron, người đã, đang và sẽ bị mổ xẻ rất kỹ trong những ngày tới, điểm đáng chú ý nhất sau vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay là thất bại của 2 đảng phái chính trị truyền thống: Cánh hữu với ứng cử viên Francois Fillon và cánh tả với ông Benoit Hamon.

Lần đầu tiên trong lịch sử nền cộng hòa thứ Năm của Pháp, không có một ứng cử viên nào thuộc một trong 2 đảng này lọt vào vòng 2. Đó là một thất bại lịch sử bởi đặc điểm lớn nhất của nền chính trị Pháp từ 1958 đến nay là tính lưỡng cực, tức hai đảng Xã hội - PS (cánh tả) và ‘Những người cộng hòa - LR’’ (trước đó mang tên RPR, UMP…) thay nhau cầm quyền ở cả nhánh hành pháp lẫn thống trị trong Nghị viện.

Cũng chưa khi nào tổng số phiếu mà 2 ứng cử viên của 2 đảng lớn truyền thống này cộng lại ở vòng 1 lại dưới 45%, và chưa khi nào một ứng cử viên của đảng Xã hội (Benoit Hamon) lại nhận ít hơn 10% phiếu bầu của người Pháp.

Đối với nền chính trị Pháp, những gì đang diễn ra có thể gọi là một cơn địa chấn chính trị sẽ làm thay đổi căn bản tương quan quyền lực và cơ cấu đảng phái trên chính trường Pháp. Đảng Xã hội đứng trước nguy cơ tan vỡ, không chỉ bởi thất bại quá ê chề của ông Benoit Hamon, bởi 5 năm cầm quyền thảm họa của ông Hollande mà còn bởi cánh tả Pháp giờ đây dường như đã có một thủ lĩnh mới là ông Jean-Luc Melenchon, một người vốn ly khai khỏi đảng Xã hội và đang đại diện cho một đường lối cánh tả mới.

Nguy cơ ít hơn một chút với cánh hữu, bởi thất bại của ông Francois Fillon chủ yếu là do các scandal cá nhân quá tai tiếng của ứng cử viên này hơn là sự chia rẽ trong nội bộ cánh hữu. Nhưng sự vững vàng của đảng cực hữu FN và bà Marine Le Pen cho thấy các lo ngại trước đó về việc một lượng lớn cử tri cánh hữu sẵn sàng ngả sang cực hữu là có cơ sở và xu hướng này chưa thấy dấu hiệu dừng lại.

Với cánh tả và cánh hữu truyền thống, cuộc chiến giành quyền lực tại Elysées khép lại nhưng một cuộc chiến khác đang đợi ngay trước mắt là bầu cử lập pháp vào tháng 6. Nếu không làm tốt hơn những gì đang thể hiện, hai chính đảng lớn này có thể sẽ bị gạt ra ngoài lề của cuộc tái tạo đảng phái lớn nhất và khó dự đoán nhất trên chính trường Pháp nhiều thập kỷ qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bầu cử Tổng thống Pháp: Gay cấn chủ đề chống khủng bố
Bầu cử Tổng thống Pháp: Gay cấn chủ đề chống khủng bố

VOV.VN – Vụ xả súng tối 20/4 trên Đại lộ Champs Elysees khiến chủ đề “chống khủng bố” vốn đã là ưu tiên số 1 càng được đẩy lên cao trào.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Gay cấn chủ đề chống khủng bố

Bầu cử Tổng thống Pháp: Gay cấn chủ đề chống khủng bố

VOV.VN – Vụ xả súng tối 20/4 trên Đại lộ Champs Elysees khiến chủ đề “chống khủng bố” vốn đã là ưu tiên số 1 càng được đẩy lên cao trào.

“Bóng ma” khủng bố trước thềm bầu cử Tổng thống Pháp
“Bóng ma” khủng bố trước thềm bầu cử Tổng thống Pháp

VOV.VN - Những mối đe dọa khủng bố liên tiếp khiến Pháp phải tăng cường an ninh ở mức cao nhất cho cuộc bầu cử Tổng thống.

“Bóng ma” khủng bố trước thềm bầu cử Tổng thống Pháp

“Bóng ma” khủng bố trước thềm bầu cử Tổng thống Pháp

VOV.VN - Những mối đe dọa khủng bố liên tiếp khiến Pháp phải tăng cường an ninh ở mức cao nhất cho cuộc bầu cử Tổng thống.

Không khí ảm đạm tại điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp
Không khí ảm đạm tại điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp

VOV.VN -Tỷ lệ đi bỏ phiếu không đông, bầu không khí ảm đạm và buồn chán là những cảm nhận của những giờ đầu tiên vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Không khí ảm đạm tại điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp

Không khí ảm đạm tại điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp

VOV.VN -Tỷ lệ đi bỏ phiếu không đông, bầu không khí ảm đạm và buồn chán là những cảm nhận của những giờ đầu tiên vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.