Mali thành lập chính phủ mới
VOV.VN - Nội các của tân Thủ tướng Mali gồm 34 thành viên, đặc biệt có thêm Bộ Hòa giải dân tộc và phát triển miền Bắc.
Ông Oumar Tatam Ly, Thủ tướng đầu tiên thời hậu chiến của Mali ngày 8/9 công bố thành phần nội các mới, gồm 34 thành viên, đặc biệt trong đó có việc thành lập thêm Bộ Hòa giải dân tộc và Phát triển miền Bắc. Việc chính phủ mới được thành lập chỉ 3 ngày sau khi tân Thủ tướng được chỉ định cho thấy quyết tâm của quốc gia Tây Phi này khôi phục hòa bình, ổn định cũng như phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng Mali Oumar Tatam Ly tại văn phòng của ông ở Bamako (Ảnh: AFP) |
Danh sách nội các mới được công bố tối 8/9, chỉ 3 ngày sau khi ông Tatam Ly được Tổng thống Boubacar Keita bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng. Chính phủ mới gồm 34 bộ trưởng và thứ trưởng, trong đó có 6 nhân vật trong nội các cũ được giữ tại nhiệm.
Trong số các vị trí chủ chốt, luật sư Mohamed Aly Bathily được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, một nhân vật quan trọng trong chính phủ. Bởi về mặt nghi thức, ông Bathily chỉ đứng sau Thủ tướng. Ông Maiga, một cựu quan chức tình báo, từng là Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Đặc biệt, trong chính phủ mới của Mali có thêm Bộ Hòa giải dân tộc và Phát triển miền Bắc, do nhà ngoại giao kỳ cựu Oumar Diarrah, cựu Đại sứ Mali tại Mỹ đứng đầu. Hòa giải dân tộc là một trong những ưu tiên hàng đầu và cấp bách nhất của chính phủ Mali, bởi tình trạng chia rẽ sắc tộc, đặc biệt là ở miền Bắc đang gây cản trở các nỗ lực nhằm đạt được một nền hòa bình bền vững, cũng như tập trung phát triển kinh tế tại Mali.
Trong phát biểu ngày 8/9, Tổng thống Keita một lần nữa khẳng định, hòa giải dân tộc là mối quan tâm lớn nhất. “Hòa giải dân tộc là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Chúng ta cần khẩn cấp thực hiện các bước đi cần thiết nhằm mang lại một nền hòa bình bền vững cho đất nước, hướng tới chấm dứt vòng xoáy bạo lực tại miền Bắc", ông Keita nhấn mạnh.
Chính phủ mới của Mali sẽ có trọng trách nặng nề là phục hồi và hòa hợp một quốc gia vốn đang bị tổn thương và suy yếu sau 18 tháng khủng hoảng chính trị và quân sự sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính đầu năm 2012.
Cuộc xung đột kéo dài đã đẩy Mali rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng đói nghèo, căng thẳng leo thang giữa cộng đồng Toureg, Arab và những người da đen, dẫn đến một làn sóng di cư ồ ạt của người dân, khiến hàng trăm ngàn người phải di cư trong nội bộ đất nước và tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Chính vì thế, bên cạnh các vấn đề an ninh, chính phủ mới Mali cũng sẽ phải bắt tay vào các hoạt động vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau nhiều tháng khủng hoảng. Chính phủ mới của Mali sẽ phải nỗ lực rất nhiều để các nhà tài trợ quốc tế đưa ra quyết định nối lại các hoạt động hỗ trợ gần 40 tỷ USD cho Mali vốn đã bị dừng lại năm ngoái./.