Máy bay Lion Air gặp vấn đề về “tốc độ và độ cao” trước khi gặp nạn
VOV.VN - Cơ trưởng chuyến bay Lion Air gặp nạn đã thông báo máy bay gặp vấn đề về tốc độ và độ cao nhưng sau khi khắc phục đã quyết định sẽ tiếp tục hành trình.
Cơ trưởng của chuyến bay hãng Lion Air bay từ đảo Bali, Indonesia thông báo máy bay gặp vấn đề về "tốc độ và độ cao" vài phút sau khi cất cánh nhưng sau đó vấn đề này đã được giải quyết và chuyến bay tới Jakarta vẫn tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, vài giờ sau, chiếc máy bay này đã gặp nạn và khiến 189 hành khách thiệt mạng.
Các thợ lặn tìm kiếm các mảnh máy bay Lion Air sau khi máy bay này gặp nạn trên biển ngày 29/10. Ảnh: AP |
Sau khi đã giải quyết được vấn đề, phi công này đã báo lại cho các kiểm soát viên không lưu rằng anh không cần điều khiển máy bay Boeing 737 Max 8 quay trở lại Bali, người đứng đầu ban quản lý sân bay khu vực Bali-Nusa Tenggara Herson thông tin tới Reuters.
Ông Herson cho biết: "Chính cơ trưởng đã tự tin rằng máy bay có thể tiếp tục hành trình tới Jakarta từ Denpasar (Bali). Phi công này đã kiểm tra 2 lần để đảm bảo họ có thể thực hiện chuyến bay". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định thêm chiếc máy bay này đã gặp phải vấn đề về "tốc độ và độ cao".
Theo một điều tra viên vụ tai nạn, chiếc máy bay này đã bay loạng choạng và các thông số về tốc độ bay cũng có nhiều bất thường.
Theo dữ liệu từ trang theo dõi lộ trình bay FlightRadar24, chiếc máy bay đã thay đổi bất thường về độ cao và tốc độ trong một vài phút đầu tiên, khi hạ thấp xuống khoảng 267m trong 27 giây trước khi ổn định lại và tiếp tục chuyến bay tới Jakarta.
Các phi công đã duy trì độ cao tối đa của chiếc máy bay là hơn 8.500m, thay vì gần 11.000m như chuyến bay tương tự vào tuần trước, Reuters cho biết.
Người phát ngôn hàng không Danang Mandala Prihantoro thông tin tới trang Bloomberg rằng, trước đó, chiếc máy bay này đã hạ cánh an toàn ở Jakarta vào 22h55 (giờ địa phương) ngày 28/10. Các kỹ thuật viên đã kiểm tra các thiết bị của máy bay trước khi nó cất cánh vào 6h20 ngày hôm sau (29/10) tới đảo Bangka.
Tuy nhiên, chiếc máy bay này đã lao xuống biển 13 phút sau khi khởi hành.
Sự khác biệt của các thông số về tốc độ và độ cao từ cảm biến áp suất - gọi là các “ống Pitot” có thể khiến các phi công hiểu lầm và gây nên các vụ tai nạn - như đối với vụ tai nạn năm 2009 của một máy bay hãng Air France trên biển Đại Tây Dương.
Các điều tra viên khi đó đã phát hiện ra rằng một cơn bão tuyết trên cao đã bít các ống Pitot của máy bay Air France.
"Khi máy bay cất cánh, nó vụt lên rồi hạ xuống. Rồi nó lại vụt lên và sau đó đột ngột hạ độ cao rồi rung lắc", Diah Mardani – một hành khách chia sẻ trong một buổi trò chuyện phát sóng trên kênh TVOne của Indonesia
Phi công của một chuyến bay khác trong hành trình tới Bali, ngay sau thời điểm máy bay xấu số cất cánh đã khẳng định rằng anh được yêu cầu bay vòng quanh sân bay và đã nghe được cuộc hội thoại giữa phi công của Lion Air và các kiểm soát viên không lưu.
"Do có cuộc gọi "pan-pan" (cuộc gọi thông báo tình huống khẩn cấp của các phi công cho trạm kiểm soát không lưu), nên chúng tôi được yêu cầu bay vòng vòng trên sân bay. Máy bay Lion đã yêu cầu quay trở lại Bali 5 phút sau khi cất cánh nhưng sau đó, phi công nói rằng vấn đề đã được giải quyết và sẽ tiếp tục chuyến bay tới Jakarta", phi công này cho biết.
Chủ tịch hãng Lion Air Edward Sirait cho biết máy bay 737 đã gặp phải vấn đề về kỹ thuật trong chuyến bay trước đó nhưng không thông tin gì thêm ngoài việc thông tin rằng vấn đề này đã được giải quyết theo các thủ tục của Boeing.
Một phát ngôn viên của hãng hàng không này hôm 1/11 cũng từ chối trả lời khi được hỏi về việc cảnh báo trong chuyến bay trước đó. Cùng ngày, các thợ lặn cho biết đã tìm được một trong các hộp đen của máy bay.
Các điều tra viên khẳng định họ sẽ xem xét thiết bị này để tìm kiếm các dữ liệu về những điều đã xảy ra trong chuyến bay từ Bali dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng ngày 29/10.
Bambang Irawan - một điều tra viên lúc đầu khẳng định thiết bị này là một thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau đó, một điều tra viên khác Ony Soeryo Wibowo khẳng định họ vẫn chưa rõ liệu đó là thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay hay thiết bị ghi âm buồng lái.
"Hình dạng của chúng tương tự nhau", Ony Soeryo Wibowo cho biết.
Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay sẽ cung cấp thông tin chi tiết về chuyến bay cũng như độ cao, tốc độ bay và hướng đi của máy bay. Trong khi đó, thiết bị ghi âm buồng lái cung cấp các cuộc hội thoại của các phi công cũng như âm thanh động cơ, các cảnh báo thiết bị và những âm thanh khác./.
Xót xa hình ảnh nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air chở 189 người
Indonesia tìm thấy hộp đen máy bay rơi, bí ẩn sắp được giải mã