MH370: Người ngoài hành tinh bắt cóc hay bị bắn hạ?
VOV.VN -Một năm sau vụ mất tích chiếc máy bay MH370, sự biến mất bất thường này khiến nảy sinh vô vàn giả thiết, châm ngòi cho các cuộc tranh cãi trên mạng.
Nhiều gỉa thiết hoang tưởng được đưa ra như bị người ngoài hành tinh bắt cóc; rồi MH370 chính là chiếc máy bay MH17 bị rơi ở miền Đông Ukraine; cho tới những phỏng đoán có phần thực tế hơn như MH370 đang nằm ở miền Nam Ấn Độ Dương nhưng ngoài khu vực tìm kiếm.
Nhưng tất cả đều tán thành quan điểm là một số dữ liệu quan trọng nhất của vụ MH370 vẫn là điều bí ẩn.
“Thật ngạc nhiên khi là còn quá nhiều thông tin mà chúng ta không thể tiếp cận được trong suốt thời gian dài qua”. Jeff Wise, một chuyên gia hàng không, tác giả cuốn sách mới xuất bản ăn khách bậc nhất trên Amazon “Chiếc máy bay không có ở đó” cho biết.
Chiếc Boeing 777 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ngay sau khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur hôm 8/3/2014, lúc bay qua vịnh Thái Lan. Theo không lực Malaysia. dữ liệu radar chỉ ra rằng máy bay đã bay ngược trở lại, vượt qua bán đảo Malay và ra khỏi phạm vi ngoài khơi bờ biển phía tây bắc.
Các nhà điều tra sau đó sử dụng phân tích tín hiệu ping của công ty Anh Inmarsat, đi đến kết luận rằng máy bay quay trở lại phía nam và bay trong nhiều giờ trước khi rơi xuống phía nam Ấn Độ Dương.
Kết luận này đã vấp phải nhiều phản ứng làm nảy sinh tranh cãi gắt gao.
Tháng 11/2014, người đứng đầu hãng hàng không Emirates Airlines Tim Clark nói, khả năng thông tin thực sự về vụ mất tích MH370 đang được giữ kín. Ông Clark cũng đặt câu hỏi quanh sự khẳng định của quân đội Malaysia nói họ đã không có hành động nào vì nhận thấy MH370 “không nguy hiểm” khi chiếc máy bay đột ngột chuyển hướng.
Ngày 3/3 một giả thiết mới được cho là đáng tin cậy về chuyến bay mất tích bí ẩn này được cơ trưởng Simon Hardy, đang làm việc cho một hãng hàng không đưa ra: chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines đã bay chào “vĩnh biệt” quần đảo Penang, gần nhà cơ trưởng của chuyến bay, trước khi “mất tích”.
Ông Hardy cho biết sau khi hệ thống truyền tải thông tin liên lạc trên máy bay bị tắt, chiếc máy bay đã thực hiện một động tác “khá khác thường” ra vào như con thoi ở không phận Malaysia và Thái Lan đến 8 lần. Vị chuyên gia cho rằng đó một cách thức hiệu quả để gây rối giữa các trạm kiểm soát không lưu.
Giả thiết khác của cựu chủ tịch hàng không Pháp Proteus, ông Marc Dugain cho rằng, máy bay bay về hướng căn cứ hải quân Mỹ ở Diego Garcia và bị bắn hạ.
Gần 1 năm sau ngày chiếc máy bay biến mất bí ẩn, thân nhân hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay MH370 vô cùng giận dữ vì người thân của họ vẫn bặt vô âm tín./.