Mốc hoàn tất đàm phán Brexit giữa Anh và EU là bất khả thi?
VOV.VN - Vương Quốc Anh còn chưa đầy 18 tháng nữa để hoàn tất cuộc đàm phán Brexit đầy cam go với Liên minh châu Âu, dự định kết thúc vào tháng 3/2019.
Bộ trưởng phụ trách đàm phán đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit, ông David Davis hy vọng nước này có thể nhất trí với EU về một giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào cuối năm nay và đạt được một thỏa thuận thương mại vào tháng 3/2019.
Ảnh minh họa: AP
Qua đó, ông David Davis chỉ ra khả năng Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu sẽ chỉ có thể bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit sau tháng 3/2019 khi quốc gia này chính thức rời "ngôi nhà chung".
Phát biểu trước các nghị sỹ Anh thuộc Ủy ban phụ trách vấn đề rời khỏi EU, ông David Davis cho biết khả năng nói trên xuất phát từ việc nước Anh có thể phải chờ đến “phút chót” mới đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, vì vậy Quốc hội Anh không thể bỏ phiếu khi Anh và EU còn chưa thống nhất được thỏa thuận cuối cùng.
Bộ trưởng phụ trách Brexit nhấn mạnh, Anh muốn đạt được một thỏa thuận với EU song cũng buộc phải duy trì quan điểm sẵn sàng rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào cho đến tận phút chót, để tránh những tình huống bất lợi cho nước này.
“Những gì chúng ta đã làm trong hơn một năm qua, kể từ tháng 8 năm ngoái đang sắp mang đến kết quả. Bây giờ chúng tôi không muốn việc không đạt được một thỏa thuận nào. Nhưng nếu việc này xảy ra thì chúng ta cũng phải chấp nhận”, ông David Davis nói.
Ông David Davis dẫn chứng trường hợp đàm phán giữa Hy Lạp và EU trong các năm 2012, 2015 và 2017 khi các nhà đàm phán của EU cũng đưa ra những yêu sách “bất ngờ vào phút cuối” để gây sức ép với đối tác.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Florence của Italy ngày 22/9, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức đề nghị với EU thời kỳ chuyển tiếp là khoảng 2 năm, thời kỳ đệm cho Anh rời khỏi EU kể từ sau tháng 3/2019.
Với đề xuất thời gian chuyển tiếp 2 năm, bà Theresa May khẳng định, Anh sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của nước này về ngân sách khi còn là thành viên của EU. Theo bà, Anh cần được tiếp cận thị trường chung EU trong thời gian này, trong khi các thành viên khác của khối không phải đóng góp thêm hoặc được nhận hỗ trợ ít đi vì Brexit.
Trong giai đoạn chuyển tiếp này, công dân EU vẫn sẽ tiếp tục được đi lại, sống và làm việc tại Anh, song sẽ có một hệ thống đăng ký, một sự chuẩn bị cần thiết cho một chế độ mới.
Nhà lãnh đạo Anh nêu rõ Anh mong muốn tiếp tục hợp tác thông qua các cách thức thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn trong khu vực, bao gồm việc tham gia vào những chương trình và chính sách cụ thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả Anh lẫn EU, cũng như thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa và an ninh chung.
Bà Theresa May bày tỏ lạc quan rằng đây là giai đoạn mới và quan trọng trong lịch sử quan hệ Anh-EU, người dân Anh mong muốn rời EU và trở thành một quốc gia thương mại tự do toàn cầu có thể đề ra hướng đi riêng trên thế giới.
Tuy nhiên, giới chức EU cho biết, EU nhiều khả năng sẽ đưa ra yêu cầu thời kỳ chuyển tiếp Brexit tối đa chỉ là 20 tháng, ít hơn thời gian mà Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất.
Mặc dù phía châu Âu luôn đánh giá các nhà đàm phán của Anh là cực kỳ xuất sắc và lão luyện, nhưng việc thiếu chuẩn bị của phía Anh có lẽ xuất phát từ nguyên nhân khách quan của chính trường Anh, từ việc thay đổi Chính phủ sau Brexit, đến mâu thuẫn nội bộ trong Đảng Bảo thủ và mới nhất là cuộc bầu cử trước thời hạn khiến tương quan trên chính trường Anh thay đổi…
Hiện tại đã là cuối tháng 10, theo kế hoạch thì EU và Vương quốc Anh còn chưa đầy 17 tháng nữa để hoàn tất cuộc đàm phán Brexit, dự định vào tháng 3/2019. Hầu như đa số nhà phân tích đều cho rằng nếu giữ tốc độ tiến triển chậm như hiện nay thì cái mốc tháng 3/2019 là hoàn toàn bất khả thi./.
EU “bật đèn xanh” cho đàm phán thương mại hậu Brexit