"Mong ước của tôi trong Ngày Quốc tế Phụ nữ là chiến tranh không lặp lại"
VOV.VN - Nhiều phụ nữ đang sống trong những khu lều bạt tạm bợ ở thành phố Rafah phía nam Gaza, cho biết đang phải đối mặt với nạn đói, nỗi đau mất người thân. Vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm nay, càng cảm nhận rõ hơn sự thiệt thòi của phụ nữ sống giữa 2 làn đạn.
Iman Zakout, một trong hàng nghìn phụ nữ phải di dời đến Rafah (phía nam Gaza), cho biết cô không thể cung mua thuốc cho những đứa con bị bệnh của mình và chỉ muốn cuộc sống trở lại bình thường.
“Vào ngày 8/3, ở đây không có Ngày Quốc tế Phụ nữ. Chúng tôi không công nhận Ngày Phụ nữ vì chúng tôi ở đây không còn là phụ nữ, tất cả phụ nữ đều bị xóa sổ. Họ đều phải gánh vác mọi việc. Ngày Phụ nữ đang ở bên ngoài, không có đối với người Palestine, đặc biệt là ở Gaza. Trước ngày 7/10, phụ nữ ở đây có cuộc sống khá ổn tại ngôi nhà của mình. Họ được an toàn và hạnh phúc. Nhưng sau ngày 7 tháng 10, họ không còn là phụ nữ nữa”. - Iman Zakout nói.
Chị Aya Al-Madhoun, cũng tâm sự về tình cảnh của họ sau khi phải di dời đến Rafah: “Chúng tôi phải chịu đựng bạo lực, nỗi buồn, sự bất công, sự sỉ nhục, những hình thức tra tấn khắc nghiệt nhất dưới bàn tay của lực lượng chiếm đóng. Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì. Chúng tôi phải di dời khỏi phía bắc Gaza. Chúng tôi đang sống yên bình ở quê hương của mình. Nhưng bây giờ, chúng tôi không có gì cả. Không nước, không điện, không gas, không thức ăn. Chúng tôi đang phải chịu đựng mọi thứ ở mức độ tồi tệ nhất có thể. Mong ước của tôi trong Ngày Quốc tế Phụ nữ là chiến tranh không lặp lại".
Ước tính có khoảng 1,5 triệu người sống chen chúc tại Rafah sau khi nhiều người phải rời bỏ nhà cửa ở phía bắc dồn về đây trước chiến dịch tấn công quân sự của Israel. Tuy nhiên, từ tháng 2 Israel đã tăng cường bắn phá Rafah, khiến cuộc sống ở đây càng thêm cơ cực.
Theo Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA), sau hơn 5 tháng xung đột, ước tính khoảng 1,7 triệu người đã phải di dời trong vùng đất này, chiếm hơn 75% dân số Gaza. Trong đó, nhiều người đã bị buộc phải di chuyển nhiều lần.
Cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với tình trạng thiếu lương thực, nước và thuốc men trầm trọng. Từ khi nổ ra chiến sự với Hamas, Israel đã ngừng nhập khẩu thực phẩm, thuốc men, năng lượng và nhiên liệu vào Gaza. Mặc dù sau đó Israel cho phép chuyển hàng viện trợ vào Gaza, nhưng các tổ chức viện trợ cho biết việc kiểm tra an ninh và đi lại khó khăn đã cản trở rất nhiều đến hoạt động của họ.