Mức tăng dân số ròng năm 2020 của Trung Quốc thấp nhất trong 59 năm
VOV.VN - Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như dịch Covid-19 và sự sụt giảm số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc năm 2020 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng ròng dân số cũng giảm đáng kể.
Theo “Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2021” do Cục Thống kê Quốc gia nước này phát hành, so với năm 2019, dân số Trung Quốc chỉ tăng thêm 2,04 triệu người vào năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1962.
Số liệu thống kê cho thấy, do ảnh hưởng thiên tai trong 3 năm, tổng dân số Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong 2 năm 1960 và 1961. Con số này đã phục hồi nhanh chóng vào năm 1962, với mức tăng dân số ròng trong năm đạt 14,36 triệu người. Sau đó, từ năm 1963 đến năm 1975, mức tăng dân số ròng hàng năm đều vượt 15 triệu người.
Sau năm 1976, mức tăng dân số ròng của nước này giảm, nhưng vẫn trên 11 triệu. Trong những năm 1990, mức tăng này đạt trên 10 triệu người.
Năm 2000, con số này lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 triệu sau 39 năm, chỉ đạt 9,57 triệu người. Đến năm 2010, mức tăng ròng dân số ở Trung Quốc chỉ có 6,41 triệu người. Tuy nhiên, năm 2012 đã tăng vọt 10,06 triệu người.
Sau khi thực hiện chính sách 2 con vào năm 2016, mức tăng dân số đã lên tới 9,06 triệu người, nhưng các năm tiếp theo lại liên tục giảm, từ năm 2017 đến năm 2020 lần lượt là 7,79 triệu, 5,3 triệu, 4,67 triệu và 2,04 triệu.
Xét từ xu hướng phát triển, truyền thông Trung Quốc dự báo mức tăng dân số ròng trong năm 2021 của nước này có thể sẽ tiếp tục giảm. Số liệu thống kê 9 tháng đầu năm nay ở một số tỉnh của Trung Quốc cho thấy dân số mới sinh giảm so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm hơn 10%.
Ông Vương Bồi An, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc mới đây nhấn mạnh, dân số là yếu tố chính ảnh hưởng đến phát triển kinh tế bền vững. Do vậy, theo ông, Trung Quốc cần thực hiện hiệu quả chính sách 3 con và các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ sinh đẻ, nâng cao dân số mới sinh, cải thiện cơ cấu dân số, nhằm đạt được mức sinh phù hợp./.