Mỹ - Ấn Độ: Mối quan hệ “không thể thiếu” trong thế kỷ 21
VOV.VN - Ngày 30/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kerry tới Ấn Độ sau khi Mỹ và Ấn Độ vấp phải những tranh cãi ngoại giao liên quan đến việc Mỹ bắt giữ một nhà ngoại giao Ấn Độ hồi cuối năm ngoái.
Do đó, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn Độ, vốn được đánh giá là quan hệ “không thể thiếu” trong thế kỷ 21.
Phát biểu ngày 28/7 trước khi lên đường tới New Delhi tham dự Đối thoại Chiến lược Mỹ - Ấn Độ, Ngoại trưởng Kerry khẳng định quan hệ hữu nghị thân thiết với New Delhi là một trong những ưu tiên chiến lược dài hạn của Washington.
Theo ông Kerry, hai nước có thể và nên là những đối tác "không thể thiếu" của nhau trong thế kỷ 21 và đây cũng là chiến lược tiếp cận của Washington đối với chính quyền mới của Thủ tướng Modi.
Ông cho rằng hiện đang là thời điểm hứa hẹn những thay đổi trong quan hệ đối tác Mỹ - Ấn khi New Delhi có một nhà lãnh đạo mới, đồng thời nhấn mạnh tới các lĩnh vực hai nước có thể tăng cường hợp tác, từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng hoan nghênh chương trình “Ấn Độ 2020” được Trung tâm tiến bộ Mỹ (CAP), một trong nhữngcơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ Mỹ đề xuất thực hiện, trong đó tập trung thảo luận về các chính sách đối ngoại quan trọng tại khu vực Nam Á và phát triển các ý tưởng sáng tạo nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Mỹ-Ấn Độ.
“Ấn Độ 2020 được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng, làm thế nào Mỹ và Ấn Độ có thể cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu, từ vấn đề an ninh ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương đến việc cung cấp năng lượng sạch cho quá trình tăng trưởng toàn diện hơn. Tôi muốn nhấn mạnh một trong những mối quan hệ quan trọng đối với Mỹ, đó là mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ. Việc củng cố mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ không chỉ có lợi cho Mỹ hay Ấn Độ mà còn có lợi đối với cả thế giới. Mỹ và Ấn Độ nên là những đối tác không thể thiếu của nhau trong thế kỷ 21”, ông Kerry nói.
Dự kiến Ngoại trưởng Kerry sẽ cùng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker tham dự Đối thoại Chiến lược Mỹ - Ấn Độ diễn ra ngày 31/7 tới tại Ấn Độ.
Cuộc đối thoại chiến lược lần đầu tiên giữa 2 nước, dưới thời của Chính phủ ông Modi được coi là rất quan trọng nhằm thiết lập tốc độ và phạm vi của mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ trong vòng 5 năm tới.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Modi. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ với một quan chức chính phủ Mỹ kể từ khi chính phủ mới của Ấn Độ tuyên thệ nhậm chức.
Các cuộc thảo luận sẽ đề cập tới một loạt các vấn đề song phương, trong đó bao gồm mở rộng thương mại song phương, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, cải thiện an ninh năng lượng của Ấn Độ thông qua hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch và thúc đẩy mối quan hệ giữa nhân dân 2 nước.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ xuất hiện những rạn nứt kể từ khi kể từ khi các nhà chức trách Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái bắt giữ một nữ quan chức ngoại giao Ấn Độ tại New York với cáo buộc bà này ngược đãi người giúp việc.
Bên cạnh đó, những tranh chấp về chủ nghĩa bảo hộ và quyền sở hữu trí tuệ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh giữa 2 nước. Ấn Độ cũng luôn tỏ ra thận trọng trước những mưu đồ chiến lược của Mỹ.
Do đó, chuyến thăm lần này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ và Ấn Độ phần nào thu hẹp những bất đồng, hướng tới mục tiêu chung, xứng tầm với mối quan hệ được đánh giá là không thể thiếu trong thế kỷ 21.
Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, vào tháng tới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ có chuyến thăm tới Ấn Độ.
Tiếp sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ tới thăm thủ đô Washington vào tháng 9 tới theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Các động thái ngoại giao dồn dập này của Mỹ là mình chứng cho mong muốn của nước này nhằm cải thiện quan hệ với Ấn Độ dưới thời tân Thủ tướng Modi, với những lợi ích kinh tế và địa chính trị chiến lược mà 2 bên mang lại cho nhau, cũng như cho phần còn lại của thế giới, như lời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói./.