Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung
VOV.VN - Ngày 2/8, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1987.
Mỹ đã quyết định rút khỏi INF sau khi thông báo quyết định của mình tới Nga 6 tháng trước, với lý do Nga đã vi phạm hiệp ước này. Nga đã phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Mỹ muốn rút khỏi INF nhằm có cớ để phát triển các loại tên lửa mới.
Tên lửa phóng từ tàu ngầm. Ảnh: USNI News. |
Trong một tuyên bố ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga đã vi phạm INF do không tuân thủ việc phá hủy hệ thống tên lửa của mình theo quy định của hiệp ước này. Ông Pompeo cho rằng, việc Nga không tuân thủ INF gây phương hai tới các lợi ích tối thượng của Mỹ và hệ thống tên lửa của Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ và các đối tác và đồng minh của Mỹ.
Việc Mỹ rút khỏi INF đã chấm dứt thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga nhằm hạn chế việc phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500km tới 5.500km. Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang.
Hiện Mỹ và Nga còn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) nhằm kiểm soát các loạt vũ khí hạt nhân chiến lược và hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào năm 2021. Nếu hiệp ước này không được gia hạn, đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Mỹ và Nga, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, sẽ không bị hạn chế về kho vũ khí hạt nhân của mình./.
Liên Hợp Quốc cảnh báo chiến tranh hạt nhân sau khi INF bị xóa sổ