Mỹ có thể rút toàn bộ quân ra khỏi Afghanistan
VOV.VN - Mỹ cảnh báo, nếu không có Hiệp định An ninh Mỹ-Afghanistan thì sẽ không có binh sỹ NATO, Mỹ nào tại đất nước Tây Nam Á này.
Mỹ và NATO những ngày qua liên tục thúc ép Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai kí Hiệp định An ninh song phương nhằm xác định khuôn khổ pháp lý cho việc duy trì một phái bộ của NATO ở lại nước này sau năm 2014. Mỹ cảnh báo, việc Tổng thống Afghanistan từ chối kí hiệp định có thể hủy hoại các kế hoạch của họ và buộc Mỹ, NATO rút quân hoàn toàn ra khỏi Afghanistan.
Ngay trong phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào ngày 26/02, các quan chức NATO tỏ rõ sự quan ngại về tương lai của Afghanistan khi Tổng thống Afghanistan vẫn kiên quyết không chịu ký Hiệp định An ninh song phương với Mỹ. NATO cảnh báo đang chuẩn bị rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi Afghanistan.
Binh lính nước ngaòi tại Afghanistan (Ảnh Reuters) |
Tổng thư kí NATO Rasmussen nêu rõ, nếu không có Hiệp định An ninh Mỹ-Afghanistan thì sẽ không có thỏa thuận giữa NATO với Afghanistan và không có bất kỳ binh sỹ NATO nào tại quốc gia Tây Nam Á này sau năm 2014. NATO đang thương thảo một thỏa thuận riêng với Afghanistan nhưng thỏa thuận này chỉ ra đời sau Hiệp định An ninh song phương Mỹ-Afghanistan.
Ông Rasmussen nói: “Suy luận của tôi là Tổng thống Karzai có thể sẽ không kí Hiệp định An ninh với Mỹ. Đó là lý do chúng tôi phải lên kế hoạch cho mọi tình huống xảy ra, đồng thời chúng tôi tiếp tục lập kế hoạch cho việc triển khai một đơn vị huấn luyện trong trường hợp Tổng thống mới của Afghanistan kí Hiệp định An ninh”.
Bất chấp sức ép và đe dọa ngừng viện trợ, Tổng thống Afghanistan không chịu đặt bút ký vì phản đối các điều khoản dành một số quyền ưu tiên đặc biệt cho lính Mỹ và phản đối các chiến thuật quân sự của Mỹ tại nước này, đặc biệt là việc đột kích vào nhà dân khám xét, bắt bớ. Ông Karzai còn tuyên bố sẽ “nhường” quyền quyết định về vấn đề này cho Tổng thống kế nhiệm của Afghanistan sau cuộc bầu cử vào tháng 4 năm nay.
Người phát ngôn Chính phủ Mỹ Jay Carney tuyên bố: “Tổng thống Karzai đã ngỏ ý rằng, ít có khả năng ông sẽ ký Hiệp định An ninh với Mỹ. Điều đó có nghĩa là nếu ông không kí, thì ít nhất là Tổng thống kế nhiệm ở Afghanistan sẽ phải kí. Nhưng việc đó sẽ kéo dài thời gian và với việc kí hiệp định bị trì hoãn thêm nữa thì lực lượng Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014 sẽ có quy mô nhỏ hơn và có những nhiệm vụ ít tham vọng hơn”.
Chủ trương từ trước đến nay của chính quyền Mỹ là muốn duy trì khoảng 10.000 binh lính, trong đó có khoảng 8.000 lính Mỹ tại Afghanistan sau năm 2014, làm nhiệm vụ đào tạo, cố vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan.
Các quan chức Mỹ thừa nhận, sự trì hoãn của Afghanistan sẽ gây ra rất nhiều rắc rối, nhất là nếu phải chờ Tổng thống mới của Afghanistan quyết định như lời ông Karzai. Bởi lẽ cuộc bầu cử ở Afghanistan có thể kéo dài đến vài tháng do bầu cử vòng 2 hoặc khả năng xảy ra khiếu nại tranh chấp về kết quả bầu cử.
Hơn nữa cũng không ai dám chắc người kế nhiệm Tổng thống Karzai sẽ đặt bút kí. Sự do dự của Afghanistan cũng khiến các nước đồng minh trong NATO sốt ruột và rối trí. Chính phủ Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ (những nước cam kết đóng vai trò nhỏ nhưng quan trọng sau năm 2014) hạn chót đến mùa Hè năm nay sẽ phải đề nghị quốc hội thông qua việc gia hạn hoạt động của binh sỹ tại Afghanistan cũng như việc cấp ngân sách cho hoạt động này.
Trong bối cảnh quan hệ đồng minh Mỹ-Afghanistan trắc trở, giới phân tích lo ngại tình hình Afghanistan có thể theo vết xe đổ của Iraq. Cách đây hơn hai năm, cũng do có bất đồng với Chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki, chính quyền Mỹ đã quyết định rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq, khiến cho quốc gia này rơi vào vòng xoáy bạo lực triền miên.
Rõ ràng, việc rút toàn bộ binh sĩ hay để khoảng 10.000 quân ở lại Afghanistan đang là những bài toán khó đối với Tổng thống Obama, người cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến này, nhưng lại không muốn bỏ mặc Afghanistan rơi vào tình trạng như Iraq hiện nay./.