Mỹ giải thích lý do không gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine
VOV.VN - Một quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ cho biết, Ukraine không cần tên lửa ATACMS cho các hoạt động hiện tại nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl, Mỹ hiện không cung cấp các tên lửa ATACMS tầm xa hơn cho Ukraine vì hầu hết mục tiêu của Nga đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí khác.
Bình luận trên được quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đưa ra khi ông thông báo với các phương tiện truyền thông về hỗ trợ quân sự Mỹ đang cung cấp cho Ukraine.
“Theo đánh giá của chúng tôi, Ukraine hiện không cần sử dụng ATACMS để nhằm vào các mục tiêu có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến hiện tại. Chúng tôi cho rằng vào thời điểm này nên tập trung vào tên lửa GMLRS chứ không phải ATACMS”, ông Kahl nói.
Cả hai loại tên lửa này đều có thể được bắn bằng hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS M142 và hệ thống tên lửa phóng đa năng MLRS M270 do Mỹ và Anh cung cấp cho Ukraine.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS MGM-140 là một tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật lớn hơn có thể bay xa tới 300km.
Ukraine nói rằng họ muốn có tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công các mục tiêu của Nga ở phía sau chiến tuyến. Một trong những mục tiêu mà giới chức Ukraine cho biết họ muốn phá hủy là cây cầu nối Crimea với Nga.
“Cây cầu đó là mục tiêu quân sự bất hợp pháp. Do đó, nó phải được tháo dỡ. Không quan trọng bằng cách nào, dù tình nguyện hay không”, ông Mykhaylo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan lo ngại rằng việc cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine có thể khiến xung đột leo thang và dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới. Ông Kahl cho biết việc không gửi tên lửa ATACMS cho Ukraine hoàn toàn là vì lý do quân sự và dựa trên các báo cáo mà Ukraine cung cấp cho Mỹ.
“Các gói viện trợ của Mỹ được điều chỉnh cho phép quân đội Ukraine tiếp tục chiến đấu về lâu dài và vận hành các hệ thống vũ khí được cung cấp. Ukraine có thể sẽ không nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ quốc tế trong 10 hoặc 20 năm nữa”, ông Kahl nói./.